Bài toán khó của Netflix ở mảng quảng cáo
Mặc dù Netflix là một "ông lớn" ở mảng video streaming nhưng nó thậm chỉ mới ngấp nghé có mặt trong top 10 các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo lớn nhất.
Netflix từng thoả luận việc cung cấp phiên bản Netflix miễn phí tại một số thị trường như Châu Âu và Châu Á giữa lúc “ông lớn” này tìm cách để tăng lượng người dùng, theo nguồn tin thân cận với vấn đề.
Netflix từng thử nghiệm gói dịch vụ miễn phí của Kenya nhưng đã dừng triển khai vào năm ngoái. Nhiều lãnh đạo cấp cao của công ty cũng thảo luận việc cung cấp các phiên bản Netflix miễn phí ở các thị trường lớn hơn, đặc biệt là ở các thị trường đang có các mạng TV miễn phí kèm quảng cáo lớn (ví dụ như Đức hay Nhật Bản).
Netflix không có kế hoạch cung cấp dịch vụ miễn phí ở Mỹ, thị trường mà dịch vụ này gần như đã tiếp cận được phần lớn tệp khách hàng tiềm năng của mình. Dù sao đi nữa, Bloomberg nói rằng ở thời điểm hiện tại Netflix không có ý định cung cấp miễn phí dịch vụ ở bất kỳ thị trường nào. Mọi thứ đều chỉ dừng lại ở mức thảo luận.
Dù vậy, dịch vụ miễn phí có thể giúp Netflix tiếp cận được nhiều người dùng hơn. Họ có thể là nhóm người dùng không có đủ điều kiện để chi trả cho dịch vụ có phí hoặc không có các phương thức thanh toán tiện lợi để mua dịch vụ. Dịch vụ miến phí cũng có thể giải quyết một trong những vấn để lớn nhất mà Netflix hiện đang phải đổi mặt: tạo ra năng lực quảng cáo lớn hơn.
Nếu nhắc đến mảng streaming, Netflix có lẽ là cái tên lớn nhất ở thời điểm này (bên cạnh YouTube). Nhưng khi nhắc đến quảng cáo, Netflix vẫn là một gã tí hon.
“Tốc độ tăng quy mô của Netflix khá chậm”, một lãnh đạo mảng quảng cáo nói với Bloomberg. Ở đánh giá tích cực nhất, Netflix hiện chỉ đang đứng số 9 hoặc số 10 trong số các nền tảng quảng cáo video trực tuyến lớn nhất”. Trong khi đó, chi phí quảng cáo trên Netflix cũng có thể cao gấp đôi so với các đối thủ. “Netflix không phải nơi hấp dẫn nhất”, người này chia sẻ.
Dù vậy, những người trong ngành quảng cáo luôn đánh giá cao khả năng hành động nhanh của Netflix. Khi tăng trưởng của Netflix chững lại vào cuối năm 2021, Spencer Neumann, giám đốc tài chính Netflix, ủng hộ theo đuổi mảng quảng cáo và đã thuyết phục người đồng sáng lập Reed Hastings để giới thiệu một gói dịch vụ giá thấp hơn kèm quảng cáo.
Chỉ trong chưa tới một năm, Netflix đã phát triển mảng kinh doanh quảng cáo với sự hỗ trợ của Microsoft trong vai trò đối tác công nghệ và kinh doanh. Thoả thuận giữa hai bên được cấu trúc theo hướng Microsoft cam kết cho Netflix một mức độ doanh số quảng cáo cụ thể. Đổi lại, Microsoft có một khách hàng tên tuổi trong mảng quảng cáo video.
Gói dịch vụ giá rẻ hơn kèm quảng cáo được tạo ra dành cho những người dùng nhạy cảm về giá, ví dụ như những người trước đó thường chia sẻ tài khoản với nhau. Ở góc độ này, nó cực kỳ thành công.
“Chúng tôi đã đạt được bước tiến tích cực”, Greg Peters, đồng CEO Netflix, nói. Dù vậy, ông thừa nhận Netflix vẫn còn nhiều điều phải làm để tăng quy mô.
Dù vậy, việc triển khai mảng quảng cáo của Netflix không trải đầy hoa hồng. Quảng cáo của Netflix không có nhiều lượt hiển thị như những gì nó hứa hẹn. Cùng thời điểm, mối quan hệ của Microsoft và Netflix cũng có nhiều căng thẳng. Netflix đồng thời thay thế lãnh đạo mảng quảng cáo.
Ở Mỹ, mảng quảng cáo của Netflix chỉ bằng một phần quy mô của Peacock, Hulu, Disney+ và Amazon Prime (đó là chưa kể đến YouTube). Một nhà tư vấn mảng quảng cáo nói với Bloomberg rằng chỉ có 4 nền tảng quảng cáo video cần phải có là Disney, Comcast, YouTube và Amazon.
Các đối thủ tiếp cận mảng quảng cáo khác với Netflix. Amazon bật quảng cáo với tất cả người xem và nói với người dùng rằng họ cần trả tiền để tắt quảng cáo. Disney tăng giá gói dịch vụ cơ bản và yêu cầu người dùng đổi sang gói dịch vụ kèm quảng cáo nếu không muốn trả thêm tiền. Mặc dù cách tiếp cận của Netflix thân thiện với người dùng hơn, cách làm của Amazon giúp họ có lượng khán giả cho quảng cáo cao ngay từ đầu.
Phần lớn (hơn 75%) người xem Prime Video đang xem nội dung kèm quảng cáo. Amazon cũng thu phí các nhà quảng cáo thấp hơn. Điều này tạo áp lực lớn với các đối thủ.
Netflix sẽ khó áp dụng chiến lược tương tự như Disney hay Amazon. Netflix không có kinh nghiệm bán quảng cáo và khách hàng của Netflix có thể sẽ phản đối. Netflix đã dành nhiều năm tự quảng cáo mình là “TV không có quảng cáo”. Trong khi đó, hầu hết khách hàng của Amazon đều trả tiền để được giao hàng miễn phí.
Dù vậy, những người trong ngành quảng cáo dự đoán một điều không tránh khỏi là Netflix sẽ hiển thị quảng cáo trong các gói dịch vụ phổ biến nhất của mình trong tương lai gần.