Thương hiệu đua nhau phủ màu 'cờ đỏ sao vàng', gói trọn tinh thần dân tộc nhân kỷ niệm Ngày Thống nhất đất nước
“Tinh thần dân tộc” đang được các thương hiệu khơi dậy mạnh mẽ trên những thiết kế bao bì – thứ tưởng chừng đơn giản nhưng lại đầy sức nặng văn hóa.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam – Thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) không chỉ là dịp để cả nước hướng về quá khứ hào hùng, mà còn là thời điểm các thương hiệu Việt thể hiện tình yêu Tổ quốc theo cách sáng tạo và đầy cảm xúc.
Khi màu cờ quốc gia bước vào thế giới thiết kế
Tháng 4 rực rỡ không chỉ được nhuộm đỏ bởi đường phố với cờ hoa, mà còn len lỏi vào từng ly cà phê, hộp bánh, chiếc túi giấy, hay thậm chí là menu, slogan… tại hàng loạt thương hiệu từ Bắc chí Nam. Một “làn sóng yêu nước” đang âm thầm lan tỏa qua những sản phẩm hàng ngày, mang theo hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng – biểu tượng thiêng liêng của dân tộc trong diện mạo thiết kế bao bì trang trọng, hiện đại và đầy cảm hứng.
Hàng loạt các thương hiệu cà phê "ganh đua"
Các thương hiệu cà phê như Phê La, Cộng Cà Phê, CHAMEE, Nhâm Coffee, ChiNi, Lason, Sutori Kohi... đều đang nỗ lực “gói trọn” tinh thần dân tộc trong từng sản phẩm. Bao bì không chỉ là công cụ truyền thông, mà còn trở thành một “tác phẩm mini” kết nối giữa hiện tại và lịch sử.

Màu đỏ rực rỡ của quốc kỳ được đặt nổi bật trên nền trắng, vàng đồng, xanh lá hay nâu đất – những gam màu vừa tạo sự hài hòa, vừa tôn lên vẻ trang nghiêm và sang trọng. Hình ảnh ngôi sao vàng giữa nền cờ không chỉ là dấu ấn nhận diện mà còn mang lại cảm giác ấm áp, gần gũi. Trong một số phiên bản giới hạn, hình ảnh này còn được cách điệu theo phong cách tranh cổ động, họa tiết thổ cẩm hoặc mỹ thuật Đông Dương, khiến bao bì không chỉ mang tính trang trí mà còn có chiều sâu văn hóa.

Một điểm sáng không thể bỏ qua nhiều thiết kế bao bì lần này là việc nhiều thương hiệu sử dụng các chất liệu thân thiện môi trường. Những chất liệu bền vững như ly giấy kraft, ống hút tre, túi xách bằng lá dừa... đã được ứng dụng đầy thẩm mỹ và độc đáo. Ý tưởng này mang đến cảm xúc đặc biệt: vừa gợi nhắc đến làng quê Việt, vừa thể hiện sự chuyển mình của đất nước theo hướng xanh – sạch – nhân văn.

Không dừng lại ở yếu tố thẩm mỹ, nhiều bao bì còn khéo léo truyền tải những thông điệp mạnh mẽ như “Việt Nam – Kỷ nguyên vươn mình”, “Tự hào dân tộc”, “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”… Những dòng chữ giản dị nhưng đầy tự hào ấy tạo nên kết nối cảm xúc sâu sắc giữa thương hiệu và người tiêu dùng, đặc biệt là với thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, một số thương hiệu lại chọn hướng đi tối giản, tôn vinh quốc kỳ theo cách tinh tế. Họa tiết được tiết chế, không phô trương nhưng vẫn đủ khiến người nhìn dừng lại, ngẫm nghĩ. Phong cách thiết kế này không chỉ hiện đại mà còn thể hiện sự trân trọng giá trị truyền thống qua góc nhìn sáng tạo.
Ngay cả bia cũng “vào cuộc”
Hưởng ứng không khí lễ hội đầy ý nghĩa sắp tới này, Bia Việt – một thương hiệu thuộc HEINEKEN Việt Nam cũng trình làng thiết kế đặc biệt.
Bao bì sản phẩm được lấy cảm hứng từ chim Lạc và trống đồng Đông Sơn, kết hợp cùng màu đỏ, vàng và ngôi sao năm cánh. Diện mạo mới của lon bia không chỉ mang tính nhận diện mạnh mẽ mà còn là lời nhắn gửi niềm tự hào dân tộc đến từng bàn tiệc.

Cách tri ân hiện đại và khác biệt
Xu hướng thiết kế bao bì theo chủ đề lịch sử – văn hóa không chỉ giúp các thương hiệu gây ấn tượng thị giác, mà còn thể hiện sự gắn kết với cộng đồng. Đó là cách doanh nghiệp “giao tiếp” với khách hàng bằng sự thấu cảm, tự hào và trách nhiệm công dân.
Trong dòng chảy hiện đại, khi mọi thứ đều có thể trở thành một điểm chạm thương hiệu, bao bì không còn đơn thuần là lớp vỏ mà đã thực sự trở thành “người kể chuyện” – kể về một đất nước anh hùng, kể về tinh thần dân tộc bất diệt, bằng ngôn ngữ của thời đại mới.