Tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
Sáng 15/4, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Triệu Thế Hùng chủ trì tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Triệu Thế Hùng cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Quảng cáo (2012), hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển của ngành quảng cáo. Tuy nhiên, hệ thống luật quảng cáo cần phải được sửa đổi, bổ sung các quy định để đáp ứng cách yêu cầu cấp bách từ thực tiễn.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới. Dự thảo Luật tập trung quy định về: nội dung và hình thức quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Qua các kỳ thảo luận, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần. So với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, dự thảo lần này đã có nhiều ý kiến bổ sung mang tính đột phá, sâu và sát với thực tiễn phát triển của ngành quảng cáo. "Các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm hôm nay sẽ giúp cho Ủy ban nắm bắt thêm những vấn đề thực tiễn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về Quảng cáo, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng nói.

Tại tọa đàm, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; đồng thời tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật như: quảng cáo trên môi trường mạng, quảng cáo trên truyền hình, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên báo chí; các quy định về quảng cáo ngoài trời;
Trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; các biện pháp ngăn chặn và gỡ bỏ quảng cáo vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; quyền và lời ích chính đáng của các bên liên quan.... để bắt kịp sự vận động, phát triển của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo phát triển.
Theo các chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề. Trong đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của mạng xã hội để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Nhiều ý kiến đề nghị quy định về quảng cáo trên mạng cần cụ thể, toàn diện hơn, quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của từng chủ thể tham gia thị trường như người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ trung gian trên internet, người bán không gian quảng cáo đến người tiếp nhận quảng cáo để tạo sự minh bạch trong thực thi nghĩa vụ của những chủ thể tham gia thị trường quảng cáo… nhằm đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng trực tuyến.
Ngoài ra, các đại biểu cũng nhấn mạnh, quảng cáo số trên các ứng dụng thương mại điện tử đang là một xu hướng phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được quản lý chặt chẽ. Do vậy, dự thảo Luật cần định nghĩa một cách rõ ràng về thông điệp quảng cáo số, đảm bảo phù hợp với Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), đảm bảo quảng cáo số phát triển bền vững, mang lại lợi ích và hiệu quả cho nền kinh tế.

Phát biểu tổng kết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Triệu Thế Hùng đánh giá cao các ý kiến, đề xuất của đại biểu. Các ý kiến cho thấy tinh thần, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong việc hoàn thiện dự thảo luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp quảng cáo, góp phần vào sự hưng thịnh của nền kinh tế.
Các ý kiến đều nhất trí chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm minh và hiệu quả quản lý. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần xây dựng các quy định rõ ràng để đảm bảo tính minh bạch, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các doanh nghiệp...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Văn hóa và Xã hội Triệu Thế Hùng khẳng định, các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm hôm nay sẽ được Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội tiếp thu, tổng hợp, rà soát, phối hợp với Cơ quan soạn thảo để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới.