Thứ hai, 30/10/2023, 16:08 (GMT+7)

Thuốc trị vảy nến quảng cáo nhan nhản trên mạng khiến nhiều người biến chứng nguy hiểm

Trên các trang mạng xã hội quảng cáo nhiều loại thuốc bôi, thuốc uống điều trị bệnh vảy nến, không ít người đã tin tưởng mua về sử dụng và bị biến chứng nặng nề.

Bệnh vảy nến trở nặng vì dùng thuốc trên mạng

Mới đây, anh V.N.K (18 tuổi, sống tại Đồng Nai) đến Bệnh viện Da liễu TP. HCM khám trong tình trạng đỏ da, toàn thân tróc vẩy. Anh cho biết khoảng 1 năm nay bị bệnh vảy nến nên đã lên mạng tìm hiểu. Do thấy quảng cáo về một loại kem bôi ngoài da và viên uống trị bệnh vảy nến khá hấp dẫn, lại cam kết khỏi hẳn bệnh nên anh K tin tưởng, đặt mua 3 hộp với giá 600.000 đồng. Khi dùng hết thuốc, tình trạng bệnh của anh K. cải thiện rõ rệt thế nhưng vừa ngưng sử dụng thì da của anh đỏ, vảy tróc và lan toàn thân, kèm theo ngứa, đau nhức, mệt mỏi, sốt và ớn lạnh.

bệnh vảy nến 1
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP. HCM điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh vảy nến bị biến chứng nặng. Ảnh: TTXVN

Bệnh viện Da liễu TP. HCM cũng thông tin thêm, trước đó có nam bệnh nhân 49 tuổi nhập viện trong tình dạng nổi đỏ, tróc vảy da toàn thân. Được biết người này mắc vảy nến đã 18 năm nay nhưng không khám chữa. Khoảng 2 năm trước, bệnh nhân xem Youtube và biết “thầy H” chuyên điều trị vảy nến nên đã tìm đến để điều trị. Bệnh nhân này sau đó được “thầy H” cho thuốc uống và bôi điều trị bệnh trong 2 năm liên tục mà không rõ là loại thuốc gì. Thời gian đầu, bệnh nhân này thuyên giảm nhanh chóng, da giảm đỏ và bong tróc vảy nhưng phần da có vẻ mỏng hơn, mặt và bụng phù nhiều hơn. Lo sợ, bệnh nhân ngừng uống và bôi thì da đỏ, tróc vảy nhiều hơn rồi lan ra khắp cơ thể.

Cách đây chưa lâu, ông P.N.T (64 tuổi, ở Phú Yên) cũng phải nhập viện trong tình trạng toàn thân bong tróc, rỉ dịch ở hai chân, phần ngón chân, mắt cá, đầu gối và các khớp tay thì bị sưng đau do dùng thuốc trị vảy nến quảng cáo trên mạng.

Ông T. kể ông bị vảy nến nhiều năm nhưng chỉ dừng lại ở mức độ khô và tróc vảy ở đầu ngón tay, ngón chân và gót chân. Nhưng do đọc được thông tin quảng cáo thuốc trị vảy nến trên mạng xã hội nên đã mua về dùng thử. Khi dùng thuốc được 21 ngày, bệnh vảy nến của ông T. nặng hơn khi bị bong tróc từng mảng da và rỉ dịch. Bên cạnh đó các khớp ngón tay, chân, đầu gối, mắt cá cũng sưng to, đau nhức gây khó khăn cho việc đi lại. Ông T. gọi điện cho người bán thì được trả lời là sau khi dùng thuốc, vảy nến bùng lên mới tốt.

bệnh vảy nến 2
Bệnh vảy nến nếu không điều trị đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Ảnh: BVCC

Nghe lời người bán, ông tiếp tục dùng nhưng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm mà càng nặng hơn. Lo lắng và đau đớn nên ông T. ngưng dùng thuốc và đến bệnh viện thăm khám.

Nhan nhản sản phẩm trị vảy nến trên mạng xã hội

Trên mạng xã hội Facebook hay trên Google, chỉ cần gõ từ khóa "thuốc trị vảy nến", người tiêu dùng sẽ nhận về rất nhiều kết quả. Thậm chí trên Facebook còn có nhiều page chạy quảng cáo loại thuốc trị bệnh này với cam kết dứt điểm hoàn toàn và không tái phát.

Các loại thuốc này chủ yếu là đông y được bào chế và đóng gói sơ sài, không có bảng thành phần cụ thể, địa chỉ sản xuất cũng như hạn sử dụng. Ngược lại, công dụng của những loại thuốc này lại được "phù phép" như "thuốc tiên". Chỉ cần bôi hoặc uống trong thời gian ngắn, bệnh nhân có thể hết các loại vảy nến. Giá cả của những lọ thuốc bôi này dao động từ 250.000 - 450.000 đồng/lọ.

quảng cáo trị vảy nến
Rất nhiều page quảng cáo bán thuốc trị vảy nến trên Facebook

Chưa dừng lại ở đó, tại nhóm "Hội những người bị vảy nến", "Cộng đồng người vảy nến Việt Nam" còn có những người tự xưng là dược sĩ chia sẻ về nhiều phương pháp trị vảy nến khác nhau để tạo niềm tin của người bệnh và bán thuốc điều trị. Đặc biệt những loại thuốc được quảng cáo không những trị được vảy nến mà còn chữa được các bệnh ngoài da như lang ben, tổ đỉa, hắc lào, chàm, á sừng...

thuốc trị vảy nến
Thuốc trị vảy nến được đóng chai sơ sài, mập mờ về bảng thành phần, hướng dẫn sử dụng, không có hạn sử dụng

Từ những lời quảng cáo có cánh kèm theo đó là hàng hoạt hình ảnh, tin nhắn chứng minh nhiều người đã khỏi bệnh, rất nhiều bệnh nhân đã tin tưởng mua thuốc về dùng nhưng cuối cùng tiền mất, tật mang và phải cầu cứu bác sĩ.

Trị vảy nến 1
Quảng cáo thuốc trị vảy nến cam kết khỏi bệnh và không tái phát

Trước thực trạng có quá nhiều bệnh nhên tự ý mua thuốc điều trị theo quảng cáo trên mạng, BS Nguyễn Vũ Hoàng - Trưởng khoa Lâm sàng 2 (Bệnh viện Da liễu TP. HCM) khuyến cáo, y học hiện nay có nhiều phương pháp trị vảy nến nhưng chưa có cách nào trị khỏi và dứt điểm. Để điều trị bệnh này, người bệnh cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa da iễu, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc ở những nơi không rõ nguồn gốc hay quảng cáo qua mạng xã hội.

Cùng chuyên mục