4 chuyển động lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2025 và bài học chiến lược cho doanh nghiệp
Thị trường bán lẻ đang chuyển mình mạnh mẽ, mang đến tín hiệu tích cực cho nền kinh tế song cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các thương hiệu chậm thích ứng.
Thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2025 đang chuyển mình mạnh mẽ, với làn sóng hiện đại hóa lan rộng từ thành thị đến nông thôn. Từ chuỗi cà phê, nhà thuốc, mỹ phẩm đến cửa hàng tiện lợi, các mô hình bán lẻ hiện đại không chỉ mở rộng về số lượng mà còn nâng cấp về chất lượng trải nghiệm, đặt người tiêu dùng vào vị trí trung tâm.
Những thay đổi nổi bật của thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2025
Cuộc đua khốc liệt giữa các chuỗi cà phê: Ai sẽ trụ lại đường dài?
Cà phê luôn gắn liền với văn hóa tiêu dùng Việt, tuy nhiên thị trường chuỗi cà phê đang trở nên bão hòa. Năm 2025, cả nước có gần 5.000 cửa hàng cà phê chuỗi, trong đó riêng TP.HCM đã chiếm hơn 1.800 cửa hàng.
Highlands Coffee hiện vẫn đang giữ vững vị thế dẫn đầu với 855 cửa hàng, tăng trưởng ổn định từ 770 cửa hàng năm 2024. Phúc Long sau khi gia nhập hệ sinh thái Masan, cũng vươn lên mạnh mẽ với 237 cửa hàng (tăng gần 50%). Trái lại, The Coffee House ghi nhận cú trượt dốc khi giảm từ 141 xuống còn 93 cửa hàng, mất đến 1/3 quy mô chỉ trong vòng một năm.
Trong đó, thương vụ Golden Gate Group mua lại gần 100% cổ phần của The Coffee House được đánh giá là nước cờ chiến lược, mở đường cho mô hình F&B tích hợp, dựa vào mạng lưới khách hàng và kinh nghiệm chuỗi nhà hàng của Golden Gate.

Nhà thuốc chuỗi: Tăng tốc với nhu cầu sức khỏe và tiện lợi
Nếu cần tìm một ngành đang "lên như diều gặp gió", đó chính là bán lẻ dược phẩm. Trong bối cảnh hậu đại dịch và xu hướng chăm sóc sức khỏe tăng cao, nhà thuốc chuỗi không chỉ là nơi mua thuốc mà còn là điểm đến tư vấn sức khỏe tiện lợi, chuyên nghiệp.
Long Châu của FPT Retail hiện dẫn đầu tuyệt đối với 1.977 cửa hàng, tăng gần 400 điểm bán chỉ trong 12 tháng. Pharmacity dù tăng trưởng chậm hơn nhưng vẫn giữ vững sự hiện diện với 938 cửa hàng.
Ngược lại, An Khang Pharmacy (thuộc Mobile World Group) thu hẹp quy mô gần 40%, cho thấy những thách thức không nhỏ trong việc duy trì hiệu quả vận hành và tối ưu hệ sinh thái bán lẻ đa ngành.
Chuỗi mỹ phẩm: Hướng đến người tiêu dùng thế hệ Gen Z
Thị trường mỹ phẩm đang có những chuyển hướng rõ nét. Người tiêu dùng không còn mặn mà với cửa hàng thương hiệu đơn lẻ mà tìm đến các chuỗi đa thương hiệu, nơi hội tụ đa dạng sản phẩm, giá cả linh hoạt và trải nghiệm mua sắm hiện đại.
Hasaki trở thành ngôi sao mới với 252 cửa hàng, vươn lên vị trí dẫn đầu ngành hàng. Guardian - chuỗi mỹ phẩm đến từ Singapore cũng mở rộng đều đặn với 125 cửa hàng.
Ngược lại, các chuỗi như The Body Shop dần thu hẹp, chủ yếu do không thể cạnh tranh được về danh mục sản phẩm và chính sách khuyến mãi linh hoạt như các đối thủ mới nổi.

Cửa hàng tiện lợi: Mở rộng địa lý, mở rộng vai trò
Không chỉ phục vụ nhu cầu “mua nhanh – ăn liền”, cửa hàng tiện lợi đang dần trở thành điểm kết nối cộng đồng đô thị. Thị trường này chứng kiến sự bùng nổ ở cả hai miền Bắc - Nam.
7-Eleven tăng gấp đôi số cửa hàng trong 3 năm, hiện đạt 130 điểm bán. Ministop cũng mở rộng đáng kể từ 118 lên 197 cửa hàng. Đặc biệt, GS25 sau khi thống trị TP.HCM đã chính thức đặt chân ra Hà Nội, mở ra giai đoạn cạnh tranh mới tại miền Bắc.
Các thương hiệu không chỉ cạnh tranh về độ phủ, mà còn đầu tư mạnh vào công nghệ, chương trình khách hàng thân thiết, ứng dụng mua hàng và sản phẩm riêng biệt để giữ chân người tiêu dùng.
Bài học chiến lược từ chuyên gia marketing: Doanh nghiệp nên làm gì?
Dễ thấy, bức tranh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam đang là một cuộc đua tốc độ nhưng cần chiến thuật, nơi các thương hiệu không thể chỉ chạy theo số lượng cửa hàng mà cần tạo ra giá trị thực sự cho người tiêu dùng.
Một số bài học then chốt có thể rút ra:
-
Chuyển dịch nhanh theo nhu cầu: người tiêu dùng ngày càng đặt yếu tố trải nghiệm, tiện lợi và sức khỏe lên hàng đầu. Doanh nghiệp cần lắng nghe, phân tích dữ liệu tiêu dùng để phản ứng kịp thời.
-
Mô hình kinh doanh tích hợp: sự thành công của Highlands hay Long Châu không chỉ đến từ quy mô mà còn từ việc tích hợp giữa vận hành – thương hiệu – công nghệ.
-
Không ngừng đổi mới sản phẩm, dịch vụ: các chuỗi mỹ phẩm và tiện lợi cho thấy việc làm mới danh mục, tung sản phẩm độc quyền là cách hiệu quả để giữ chân khách hàng trung thành.
Cụ thể, CEO Lưu Trường An - Co Founder IGC Group đã có những chia sẻ về một vài định hướng giúp doanh nghiệp bán lẻ tận dụng tốt cơ hội trong giai đoạn chuyển mình hiện nay:
Tận dụng sức mạnh dữ liệu (data-driven strategy)
Doanh nghiệp bán lẻ không nên để mỗi giao dịch chỉ là một lần mua bán. Hãy thu thập và phân tích dữ liệu hành vi tiêu dùng (qua app, thẻ thành viên, chương trình khuyến mãi...) để cá nhân hóa dịch vụ và tối ưu sản phẩm.

Đầu tư vào trải nghiệm đa kênh (omnichannel)
Người tiêu dùng ngày nay kỳ vọng sự liền mạch từ online đến offline. Do đó, doanh nghiệp cần đồng bộ trải nghiệm từ website, mạng xã hội đến tại quầy để khách hàng có thể "mua bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu".
Xây dựng cộng đồng thay vì chỉ bán hàng
Hãy biến thương hiệu thành một phần của phong cách sống. Tạo các buổi workshop, livestream tư vấn, tặng kèm ebook hoặc ứng dụng chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp... là cách để thương hiệu đồng hành dài lâu với người tiêu dùng.
Tái cấu trúc kênh phân phối theo vùng địa lý
Thay vì chỉ tập trung vào TP.HCM, Hà Nội thì thương hiệu nên xem xét mở rộng ra các đô thị loại 2, khu vực tỉnh ven... nơi nhu cầu đang tăng cao nhưng sự cạnh tranh chưa quá gắt gao.
"Thị trường bán lẻ Việt Nam mang đến cơ hội lớn nhưng cũng đi kèm thách thức cao. Doanh nghiệp không chỉ cần 'đi nhanh', mà còn phải 'đi đúng hướng'. Đầu tư đúng chiến lược, lắng nghe khách hàng và sẵn sàng đổi mới chính là chìa khóa để chinh phục làn sóng bán lẻ hiện đại đang cuộn trào mạnh mẽ", CEO Lưu Trường An cho hay.