Thanh long ruột trắng và ruột đỏ, ăn loại nào tốt hơn?
Thanh long ruột trắng có hàm lượng đường thấp hơn ruột đỏ, trong khi ruột đỏ lại giàu chất chống oxy hóa hơn ruột trắng.
Thanh long là cây thuộc họ xương rồng và khá phổ biến ở vùng nhiệt đới. Đây là loại trái cây được nhiều người Việt yêu thích bởi có hương vị thơm ngọt, có thể hơi chua đặc trưng, ăn được cả hạt và giá thành vừa túi người tiêu dùng. Thanh long ở Việt Nam thường có 2 loại chính là thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ. Nếu chỉ nhìn bên ngoài thì rất khó để phân biệt đâu là thanh long ruột trắng, đâu là thanh long ruột đỏ.
Thanh long ruột trắng và ruột đỏ đều bổ dưỡng
Thanh long giàu chất xơ, chất chống ô xy hóa như vitamin C, betalain và carotenoid. Cả 2 loại thanh long đều chứa nhiều chất chống oxy hóa có lợi trong việc ngăn ngừa các tình trạng viêm nhiễm như viêm do bệnh gout, tiểu đường, ung thư, tim mạch.
Một nghiên cứu đăng trên tạo chí Food Chemistry cho thấy, cả thanh long ruột trắng và ruột đỏ đều kích thích các lợi khuẩn như bifidobacteria và lactobacilli phát triển. Do đó, dù là loại thanh long nào cũng bổ dưỡng và cần thiết cho chế độ ăn lành mạnh.
Khác biệt giữa thanh long ruột trắng và ruột đỏ
Năm 2021, có một nghiên cứu đăng trên chuyên san Scientific Reports chỉ ra, thanh long ruột trắng có trái tròn hơn, chiều dài thường lớn hơn so với thanh long ruột đỏ.
Về hương vị, thanh long ruột đỏ ngọt hơn so với thanh long ruột trắng. Trong 100g thanh long ruột đỏ chứa 11,5gr đường, còn ruột trắng chứa 7,65gr. Có thể thấy lượng đường trong thanh long ruột đỏ cao hơn loại ruột trắng, quyết định sự khác nhau về hương vị giữa 2 loại này. Vì thế, các chuyên gia khuyên người có ý định giảm cân và người bệnh tiểu đường nên sử dụng thanh long ruột trắng.
Không chỉ có lượng đường cao hơn, thanh long ruột đỏ còn có hàm lượng anthocyanin, vitamin C, carotene - chất chống oxy hóa cao hơn thanh long ruột trắng. Các hợp chất này trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, giúp giảm tổn thương tế bào. Chất chống oxy hóa có lợi trong việc ngăn ngừa các tình trạng viêm nhiễm như viêm do bệnh gout, tiểu đường và các dạng viêm khớp khác. Chúng cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như ung thư, tim mạch.