Một số cách dưỡng môi khô trong mùa đông
Nhiệt độ và độ ẩm không khí thấp có ảnh hưởng không nhỏ tới làn da và cả đôi môi. Môi thiếu nước sẽ xảy ra tình trạng khô, bong tróc, thậm chí nứt nẻ và chảy máu nếu không được cấp ẩm kịp thời.
Đôi môi luôn cần được quan tâm, chăm sóc bất kể mùa nào. Có nhiều nguyên nhân khiến môi khô và nứt nẻ. Đó là: Không khí khô; Liếm môi thường xuyên (viêm da do liếm môi); Thiếu máu do thiếu vitamin B12 hoặc thiếu sắt; Nhiễm trùng cục bộ do mụn rộp và nấm candida miệng (nhiễm trùng nấm men ở môi); Phản ứng tiếp xúc với chất gây kích ứng hoặc dị ứng; Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời; Uống thuốc, đặc biệt là retinoids…
Sau đây là những cách giúp bạn giải quyết vấn đề khô môi vào mùa đông:
Tẩy tế bào chết cho môi
Cũng giống như da mặt, môi cần được tẩy tế bào chết 1 - 2 lần/tuần để loại bỏ lớp tế bào chết trên bề mặt, đồng thời thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào diễn ra nhanh hơn. Loại bỏ lớp sừng hoá cũng sẽ khiến môi trở nên căng hơn, giàu sức sống hơn.
Bạn có thể sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm chuyên dụng hoặc dùng những nguyên liệu tự nhiên như mật ong và đường nâu… Tuy nhiên, không nên lạm dụng phương pháp tẩy tế bào chết bằng cách chà xát như dùng bàn chải đánh răng, điều này có thể làm tổn thương môi của bạn.
Dưỡng môi hàng ngày
Dưỡng môi là điều không thể thiếu trong mùa đông. Bạn có thể tận dụng những nguyên liệu có sẵn trong nhà để dưỡng môi như dầu dừa, sáp ong hay các loại mặt nạ môi tự nhiên như dưa chuột, cà chua…
Nhưng cách nhanh nhất vẫn là sử dụng son dưỡng môi. Một thỏi son dưỡng đến từ thương hiệu uy tín chắc chắn sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ môi bị kích ứng và tăng cường hiệu quả dưỡng ẩm, tái tạo. Bạn nên sử dụng những sản phẩm không có mùi thơm, không thuốc nhuộm và không gây dị ứng.
Uống đủ nước
Muốn da hồng hào, môi căng mọng, điều kiện tiên quyết là uống đủ nước. Việc cung cấp đủ lượng nước cơ thể cần mỗi ngày đã được chứng minh có vai trò vô cùng quan trọng, trong đó có cả những tác động tích cực đến làn da và đôi môi. Hãy uống đủ 1,5 -2 lít nước/ngày để cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể. Chia nhỏ số lượng nước mỗi lần nạp vào để không có cảm giác tức bụng khi uống.
Không liếm môi
Không ít người vì khó chịu với cảm giác môi khô, bong tróc mà liếm môi thường xuyên như một phản xạ. Tuy nhiên, trong nước bọt có chứa các thành phần như enzyme, muối vô cơ, protein hay amylase (một loại men tinh bột). Khi liếm môi, bạn đã vô tình phủ một lớp “hồ” mỏng từ những chất này. Lượng nước có trong nước bọt tiếp xúc với gió và điều kiện độ ẩm thấp sẽ bay hơi, chỉ để lại amylase dính trên bề mặt, khiến môi bị co lại, khô căng hơn trước.
Sử dụng máy tạo độ ẩm
Không khí khô góp phần gây khô da, khô môi vào mùa đông và khi bạn sử dụng điều hòa. Để khắc phục điều này, bạn có thể dùng máy tạo độ ẩm để giúp da và môi không bị nứt nẻ. Giữ máy tạo độ ẩm sạch sẽ để hạn chế mầm bệnh có thể tích tụ trong máy.
Không hút thuốc
Hút thuốc có nhiều tác động xấu với da, bao gồm cả da khô. Hút thuốc sẽ phá vỡ các sợi đàn hồi trên da, thu hẹp mạch máu và làm giảm vitamin A. Nó cũng làm chậm khả năng tự chữa lành của cơ thể. Bỏ hút thuốc sẽ có lợi cho làn da và đôi môi của bạn.
Chống nắng cho môi kể cả khi không ra ngoài
Tia UV không chỉ có trong ánh nắng mặt trời mà còn được phát tán bởi ánh đèn, ánh sáng điện thoại, tivi, máy tính… Tia UV khi tác động có khả năng lấy đi sắc hồng vốn có của môi đồng thời khiến môi trở nên khô hơn, thô ráp hơn, thậm chí tăng nguy cơ bị ung thư môi. Bạn có thể sử dụng các loại son dưỡng hoặc son màu có thành phần chống nắng để bảo vệ đôi môi của mình.
- Cải thiện môi nứt nẻ, khô ráp trong những ngày Đông chỉ sau 1 đêm
- Bạn cần chú ý những gì khi chăm sóc da mùa đông?
- Biến thể mới COVID-19 JN.1 nguy hiểm đến mức nào?
- Những thực phẩm quen thuộc giúp móng tay móng chân của bạn khỏe hơn
- Cẩn thận với tình trạng chân tay lạnh trong mùa đông bởi bạn có thể mắc những bệnh này
- Bác sĩ chia sẻ 5 bí quyết sống thọ và làm việc đến hơn 100 tuổi
- Ăn quả mắc kham có ích lợi gì cho sức khỏe?
- 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu vitamin D