Chủ nhật, 22/12/2024, 15:38 (GMT+7)

Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo: Bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng

Minh Ngọc (Theo Báo Văn hóa)

Những bất cập của Luật Quảng cáo năm 2012 trong thời gian qua đã được nhìn nhận rõ. Một số quy định chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo. Các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới… cần sớm điều chỉnh để phù hợp, đáp ứng sự phát triển về kinh tế - xã hội.

Bắt kịp sự vận động, chuyển biến của xã hội

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển.

Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về quảng cáo còn vướng mắc. Hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh quảng cáo...

Ban soạn thảo dự án Luật cũng cho biết, việc sửa đổi hành lang pháp lý này nhằm thực hiện nguyên tắc thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước; phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương; cải cách thủ tục hành chính.

Bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng - ảnh 1
Ngăn chặn những nội dung quảng cáo nhảm nhí nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng

Dự án Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 Chính sách bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012.  Đối với Chính sách  “Hoàn thiện các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo”, Dự án Luật sửa đổi 4 điều, bổ sung 2 điều và 1 khoản. Trong đó, sửa đổi, bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo.

 Dự án Luật cũng sửa đổi, bổ sung về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo, nhằm bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp quảng cáo có kèm ghi chú, khuyến cáo thì phải bảo đảm hình thức thể hiện rõ ràng, đầy đủ, dễ tiếp cận.

Điểm nhấn là quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và yêu cầu trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu…

Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng có trách nhiệm thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện quảng cáo; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Ngăn chặn quảng cáo vi phạm

Ở chính sách “Hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới”, dự Luật sửa đổi quy định về diện tích hoạt động quảng cáo trên báo in, đồng thời phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác. Về hoạt động quảng cáo trên báo nói, báo hình, quy định tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền; trong chương trình phim truyện; thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính thức bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động.

Góp ý  dự án Luật, một số ý kiến cho rằng Ban soạn thảo cần cân nhắc về quy định số lần ngắt để quảng cáo trong chương trình phim truyện, tránh gây phiền hà cho người xem.

Bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng - ảnh 2
Cân nhắc về quy định số lần ngắt để quảng cáo trong chương trình phim truyện, tránh gây phiền hà cho người xem

Cụ thể, dự luật quy định: “… Mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo 2 lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt để quảng cáo thêm 01 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 5 phút”.

Như vậy, dự thảo Luật đã tăng số lần ngắt chương trình phim truyện để quảng cáo so với quy định hiện hành, cụ thể là một phim truyện có thời lượng phát sóng khoảng 60 phút thì số lần ngắt để quảng cáo là 4 lần, so với quy định hiện hành (Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá 2 lần) thì đã tăng lên gấp 2 lần.

Một số ý kiến đã đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc vấn đề này. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định việc ngắt chương trình phim truyện để quảng cáo cho hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người dân khi xem phim, tránh việc ngắt quá nhiều lần trong chương trình phim truyện, gây mất thiện cảm với người dân khi xem phim truyện trên sóng truyền hình.

Quy định về quảng cáo trên mạng, dự Luật sửa đổi một số quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo trên mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước; hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Đồng thời, quy định trách nhiệm thông báo thông tin liên hệ; giải pháp kỹ thuật kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật trên hệ thống cung cấp dịch vụ; chế độ báo cáo định kỳ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng.

Đặc biệt, quy định về quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng vi phạm, trách nhiệm phát hiện và xác định các quảng cáo vi phạm pháp luật; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu.

Chính sách “Hoàn thiện quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời”, Dự án Luật sửa đổi 8 điều của Luật Quảng cáo hiện hành, bổ sung 1 khoản. Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, Dự án Luật đã chỉnh sửa các thủ tục không phù hợp; tối ưu hóa quy trình giải quyết, bảo đảm đơn giản, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí của tổ chức cá nhân.

Đáng chú ý là việc phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Để bảo đảm công tác quản lý nhà nước được thống nhất, kết hợp giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa các cơ quan, Dự án Luật quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, UBND cấp tỉnh.

Về quy hoạch quảng cáo ngoài trời, dự Luật sửa đổi quy định về nội dung, nguyên tắc xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời; sửa đổi quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời.

Cùng chuyên mục