Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 03/06/2024, 09:41 (GMT+7)

Sản xuất chế phẩm diệt côn trùng không đúng tiêu chuẩn, loạt doanh nghiệp bị phạt nặng

Sản xuất chế phẩm diệt côn trùng không đạt tiêu chuẩn, Công ty TNHH hóa chất phân bón thuốc BVTV DUBAI, Công ty TNHH Á Châu Hóa Sinh và Công ty CP bảo vệ thực vật ATC vừa bị Thanh tra Bộ Y tế ra quyết định xử phạt với tổng số tiền 620 triệu đồng.

Hàng loạt vi phạm trong lĩnh vực hoá chất

Cụ thể, Thanh tra Bộ Y tế vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực hóa chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn đối với Công ty TNHH Á Châu Hóa Sinh (địa chỉ tại lô E4-1, đường số 3 Khu công nghiệp Hồng Đạt - Đức Hòa 3, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) với số tiền 240 triệu đồng. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty là bà Phạm Vân Anh Chi.

Theo đó, doanh nghiệp này đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính như đưa hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn (hoá chất nguyên liệu Deltamethrin) đã quá thời hạn sử dụng vào sản xuất chế phẩm diệt côn trùng Lucky-Delta 3EW có số đăng ký lưu hành VNDP-HC-170-06-21: Công ty đã sản xuất 2 lô chế phẩm (GF747-01 ngày 28/12/2023 và G49-01 ngày 18/01/2024) có tổng khối lượng thành phẩm sản xuất ra là 933kg.

Tiếp đó, Công ty đã sản xuất 3 lô chế phẩm diệt côn trùng Lucky Bột kiến có số đăng ký lưu hành VNDP-HC-289-10-21 (lô AC760-01 ngày 16/12/2023; AC742-01 ngày 25/12/2023 và G13-01 ngày 12/01/2024) có tổng khối lượng thành phẩm sản xuất ra là 1.202kg.

chepham
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Á Châu Hóa Sinh còn sản xuất 2 chế phẩm diệt côn trùng không đúng với tiêu chuẩn đã đăng ký và được Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành. Cụ thể gồm, chế phẩm Lucky-Cyper 10EC có số đăng ký lưu hành VNDP-HC-179-06-21 và chế phẩm Lucky-Permethrin 50EC có số đăng ký lưu hành VNDP-180-06-21…

Với các hành vi vi phạm trên, Thanh tra Bộ Y tế đã buộc công ty thu hồi và tiêu huỷ 2 lô chế phẩm Lucky-Delta 3EW; buộc thu hồi và tiêu huỷ 3 lô chế phẩm Lucky-Bột kiến; buộc tiêu hủy hóa chất nguyên liệu Deltamethrin còn tồn trong kho, đã hết hạn sử dụng từ tháng 2/2018; buộc thu hồi và tái chế 1 lô chế phẩm Lucky-Cyper 10EC; buộc thu hồi và tái chế 8 lô chế phẩm Lucky-Permethrin 50EC.

Cũng với hành vi vi phạm tương tự, Thanh tra Bộ Y tế cũng quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP bảo vệ thực vật ATC - chi nhánh Công ty CP bảo vệ thực vật ATC (địa chỉ trụ sở chính tại 415/14 đường Mai Thị Buội, tổ 1, ấp 5, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TPHCM; địa chỉ chi nhánh tại tỉnh Long An là lô B114, đường số 5, Khu công nghiệp Thái Hòa, ấp Tân Hòa, xã Đức lập Hạ, huyện Đức Hòa) với số tiền 170 triệu đồng. Người đại diện theo pháp luật là ông Thái Văn Tám, chức danh: Tổng Giám đốc công ty kiêm Giám đốc chi nhánh.

Chi nhánh Công ty CP bảo vệ thực vật ATC đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính: Sản xuất 3 chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn không đúng tiêu chuẩn đã đăng ký và được Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành.

Trong đó, cơ sở đã sản xuất 1 lô chế phẩm Sauchua Gold 600SC số đăng ký lưu hành VNDP-HC-310-11-21, lô 110224SX ngày sản xuất 24/2/2024, có tổng khối lượng thành phẩm sản xuất ra là 384 lít; sản xuất 3 lô chế phẩm Moichua 270SC số đăng ký lưu hành VNDP-HC-414-09-19 (lô 100123SX ngày sản xuất 31/01/2023; lô 120623SX ngày sản xuất 19/6/2023; lô 070224SX ngày sản xuất 21/2/2024) có tổng khối lượng thành phẩm sản xuất ra là 1.500 lít.

Cơ sở cũng sản xuất 2 lô chế phẩm Dolim Tagold 600EC số đăng ký lưu hành VNDP-HC-312-11-21 (lô 010223SX ngày sản xuất 02/02/23; lô 070723SX ngày sản xuất 15/07/23) có tổng khối lượng thành phẩm sản xuất ra là 4.500 lít.

Công ty CP bảo vệ thực vật ATC - chi nhánh Công ty CP bảo vệ thực vật ATC bị buộc thu hồi và tái chế 1 lô chế phẩm Sauchua Gold 600SC, 3 lô chế phẩm Moichua 270SC và 2 lô chế phẩm Dolim Tagold 600EC các số đăng ký và lô kể trên. Thanh tra Bộ Y tế nhấn mạnh, trong trường hợp các lô chế phẩm của 3 chế phẩm nêu trên (Sauchua Gold 600SC; Moichua 270SC; Dolim Tagold 600EC) không tái chế được thì buộc tiêu hủy theo quy định.

Ngoài 2 doanh nghiệp kể trên, Thanh tra Bộ Y tế cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực hóa chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn đối với Công ty TNHH hóa chất phân bón, thuốc BVTV DUBA (địa chỉ tại lô B115, đường số 5, Khu công nghiệp Thái Hòa, ấp Tân Hòa, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) với số tiền 210 triệu đồng. Giám đốc công ty kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Minh Nhi.

Công ty này cũng thực hiện hành vi vi phạm sản xuất 3 chế phẩm diệt côn trùng không đúng với tiêu chuẩn đã đăng ký và được Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, bao gồm: 4 lô chế phẩm Furadan có số đăng ký lưu hành VNDP-HC-353-06-20 có tổng khối lượng thành phẩm sản xuất ra là 7.695kg; 3 lô chế phẩm Dubainapyr 250SC có số đăng ký lưu hành VNDP-HC-287-07-19 có tổng khối lượng thành phẩm sản xuất ra là 3.000 lít; 2 lô chế phẩm Dubaithrin 400EC có số đăng ký lưu hành VNDP-HC-286-01-19 có tổng khối lượng thành phẩm sản xuất ra là 2.200 lít.

Ngoài ra, buộc thu hồi và tái chế 4 lô chế phẩm Furadan, 3 lô chế phẩm Dubainapyr 250SC, 2 lô chế phẩm Dubaithrin 400EC. Trong trường hợp các lô chế phẩm của 03 chế phẩm (Furadan; Dubainapyr 250SC; Dubaithrin 400EC) không tái chế được thì buộc tiêu hủy theo quy định, Thanh tra Bộ Y tế nêu rõ.

Cùng với phạt tiền và buộc thu hồi, tái chế hoặc tiêu hủy các chế phẩm nêu trên, Thanh tra Bộ Y tế còn bổ sung hình phạt đối với Công ty TNHH Á Châu Hóa Sinh, Công ty TNHH hóa chất phân bón, thuốc BVTV DUBA, Công ty CP bảo vệ thực vật ATC - chi nhánh Công ty CP bảo vệ thực vật ATC tại tỉnh Long An bằng hình thức đình chỉ hoạt động sản xuất hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trong thời gian là 4,5 tháng/công ty.

Vi phạm sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn bị xử phạt thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 71/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực hóa chất là 50 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Theo quy định tại điểm e và g, khoản 2 Điều 38 Nghị định số 71/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về sản xuất hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, đối với hành vi đưa hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn đã quá thời hạn sử dụng vào sản xuất sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng trong trường hợp sản xuất mỗi chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn mà tổng khối lượng thành phẩm được sản xuất ra từ 500 kilôgam (hoặc lít) đến dưới 1.000 kilôgam (hoặc lít);

Còn trong trường hợp sản xuất mỗi chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn mà tổng khối lượng thành phẩm được sản xuất ra từ 1.000 kilôgam (hoặc lít) trở lên sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.

Trong khi đó, điểm g, khoản 4 Điều 38 Nghị định số 71/2019/NĐ-CP quy định, đối với hành vi sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn không đúng tiêu chuẩn đã đăng ký và được Bộ Y tế chấp thuận, sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng trong trường hợp sản xuất mỗi chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn mà tổng khối lượng thành phẩm được sản xuất ra từ 1.000 kilôgam (hoặc lít) trở lên.

Hình thức xử phạt bổ sung đối với tổ chức, cá nhân vi phạm là đình chỉ hoạt động sản xuất hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế từ 3 - 6 tháng đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và 4 Điều này.

Thêm nữa, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và 4 Điều này; buộc tái chế chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế còn có khả năng tái chế. Trong trường hợp không tái chế được thì buộc tiêu hủy hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này; buộc tiêu hủy hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Chuyển cơ quan Công an điều tra, xử lý nếu có dấu hiệu hình sự

Ở diễn biến liên quan, trước đó, ngày 9/4, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên địa bàn tỉnh, thành phố. Trong đó, tập trung kiểm tra để phát hiện các trường hợp vi phạm về thay đổi tên chế phẩm, hàm lượng hoạt chất, liều lượng sử dụng, hướng dẫn sử dụng và nội dung ghi nhãn gây nhầm lẫn với sản phẩm dùng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng đó, tăng cường công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với sản xuất, kinh doanh chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Đồng thời, tăng cường công tác phổ biến pháp luật, truyền thông cho người dân biết để lựa chọn và sử dụng các chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phù hợp, tránh nhầm lẫn với sản phẩm dùng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho cộng đồng. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm, chuyển hồ sơ đến cơ quan công an để xem xét, xử lý theo quy định.

Bộ Y tế nêu rõ, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị liên hệ về Bộ Y tế (Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế) để phối hợp giải quyết.

Cùng chuyên mục