Quảng cáo trên phim truyền hình rất 'khéo', nhận diện và quản lý thế nào cho phù hợp?
Phần lớn ngân sách để sản xuất các chương trình truyền hình đều từ nguồn quảng cáo. Để đảm bảo quyền lợi hợp tác, các nhà làm phim buộc phải khéo léo lồng ghép quảng cáo vào phim. Bài toán đặt ra là cần nhận diện và quản lý thế nào đảm bảo sự hài hòa giữa các bên liên quan.
Chiều 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (Luật Quảng cáo sửa đổi). Trong đó, các quy định về liên quan đến hoạt động quảng cáo trên phim truyền hình, các kênh truyền hình trả phí, hướng đến sự hài hòa giữa các bên là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm.
Nhiều quảng cáo lẫn vào phim rất 'khéo'
Phát biểu tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc nhận diện quảng cáo trong bản ghi âm, ghi hình, quảng cáo trong phim còn chưa đầy đủ. Theo đó, đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ lượng về tác động của việc thay đổi thời lượng quảng cáo, đặc biệt là trên phim ảnh.
“Đang xem khoảng 10 phút thì đến quảng cáo 1 phút, trong khi quy định tổng thời lượng quảng cáo không được quá 5% thời lượng phim. Chưa kể, có những quảng cáo lẫn vào nội dung phim rất khéo, kiểu như "chị dùng loại sản phẩm này tốt lắm, da đẹp hẳn ra" để quảng cáo cho một sản phẩm nào đó", đại biểu dẫn chứng.
Để nhận diện và đưa vào khuôn khổ, đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở khoa học, kinh nghiệm thực tiễn về việc tăng thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo từ 1,5 giây lên 6 giây; đề nghị bổ sung tính năng để người dùng được lựa chọn xem hoặc không xem quảng cáo…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành giữ quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% như Luật Quảng cáo năm 2012. Đồng thời, đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu có giải trình thỏa đáng hơn về thay đổi thời gian quảng cáo trên internet từ 1,5 giây lên 6 giây.
Phát biểu giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, dự Luật Quảng cáo sửa đổi mới nhất chỉnh sửa, quy định nguyên tắc đối với yêu cầu có tính năng, biểu tượng dễ nhận biết cho phép người tiếp nhận quảng cáo tắt quảng cáo, thông báo nội dung quảng cáo vi phạm cho nhà cung cấp dịch vụ và từ chối xem nội dung quảng cáo không phù hợp.
Về thời gian chờ tắt quảng cáo, thời lượng 6 giây được đánh giá là đủ để người xem nhận biết về sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa được quảng cáo và phù hợp với thông lệ quốc tế nên dự thảo giữ quy định này. Dự thảo luật giữ quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% như Luật Quảng cáo năm 2012, vì thực tế người xem đã phải trả phí thuê bao cho việc xem truyền hình trả tiền.
Hoạt động quản lý phải phù hợp
Liên quan đến hoạt động quảng cáo trong phim, một số ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng về việc thay đổi thời lượng quảng cáo, đặc biệt là trên phim VTV "giờ vàng".
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh giải trình nêu rõ, theo pháp luật về điện ảnh, phim Việt Nam được ưu tiên phát sóng vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ. Giữa nhà sản xuất phim và đối tác có hợp đồng rất cụ thể về nội dung quảng cáo, vị trí quảng cáo, hình thức quảng cáo, chi phí quảng cáo.
Nội dung quy định trong dự thảo luật cũng thể hiện, nếu thực hiện quảng cáo lồng ghép trong phim thì vẫn phải tuân thủ quy định của Luật Quảng cáo. Nếu phát sinh nghĩa vụ tài chính thì cũng phải tuân thủ nghĩa vụ thuế. “Chúng tôi nghĩ rằng, quy định trong luật có thể xử lý được những vấn đề này”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh khẳng định.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, hiện nay, Đài Truyền hình Việt Nam đã phải điều chỉnh giảm thời lượng mỗi tập phim hoặc giảm số lượng tập để phù hợp với Luật Quảng cáo năm 2012 và tiết kiệm chi phí sản xuất. Trong khi đó, để sản xuất các bộ phim có chất lượng, thu hút người xem, các đài truyền hình phải đầu tư kinh phí lớn để sản xuất hoặc liên kết với các đối tác.
Do đó, để hỗ trợ tạo nguồn thu, kinh phí bảo đảm cho việc sản xuất các bộ phim có chất lượng phục vụ người xem của Đài Truyền hình Việt Nam và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quy định tại Luật Điện ảnh, dự thảo luật xin giữ quy định về việc tăng thời lượng quảng cáo trong các chương trình phim truyện.
Vì vậy, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung tại Điều 26 quy định về quảng cáo trong bản ghi âm, ghi hình, quảng cáo trong phim. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này.
Phát biểu kết thúc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, sau Phiên họp, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ tám. Dự kiến, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần hai, dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai và thông qua tại Kỳ họp thứ chín.
Bài viết này thuộc series Theo dòng sự kiện
- Bỏ đề xuất liên quan đến hoạt động quảng cáo của KOL/KOC, đại biểu nêu rõ lý do
- Những con số làm 'nóng' nghị trường Quốc hội khi sửa đổi Luật Quảng cáo
- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ trình Quốc hội trong tuần làm việc này
- Người tiêu dùng không nên sử dụng những loại thuốc cảm lạnh và cúm sau
- Hàng nghìn giáo viên ở Hà Nội có thể mất tiền thưởng Tết vì lý do bất ngờ
- Hà Nội: Ai đang 'hô biến' đất dự án để làm bãi trông giữ xe tại Khu đô thị Belleville?
- Từ 2025, khi tham gia giao thông, người dân cần nắm rõ 2 khung giờ này để áp dụng theo quy định mới, tránh mất tiền oan
- Thiết bị nhà bếp nào tốt nhất? Đây là cách tìm sản phẩm phù hợp nhất cho ngôi nhà của bạn
- Doanh nghiệp tiết lộ chiến lược truyền thông giúp tối ưu chi phí, tăng nhận diện: Chuyên gia khẳng định đây sẽ là xu hướng đầy tiềm năng