Thứ năm, 28/11/2024, 06:09 (GMT+7)

Những con số làm 'nóng' nghị trường Quốc hội khi sửa đổi Luật Quảng cáo

Trong quá trình Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, những con số liên quan đến quy định về diện tích quảng cáo trên báo in luôn nhận được sự quan tâm, bàn luận sôi nổi trên nghị trường.

Cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn

Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ, hiện nay, phần lớn các cơ quan báo chí đều hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Việc bảo đảm tự chủ tài chính phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi số lượng người xem sụt giảm, khách hàng không còn đầu tư nhiều vào hoạt động quảng cáo trên các phương tiện này. Vì vậy, các cơ quan báo chí phải áp dụng mọi biện pháp để tăng nguồn thu cho đơn vị trong đó có biện pháp tối ưu hóa lợi nhuận từ hoạt động quảng cáo.

Để phù hợp với bối cảnh mới, tạo điều kiện phát triển cho các cơ quan báo chí, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã tăng diện tích quảng cáo trên báo in. Cụ thể, dự Luật sửa đổi về hoạt động quảng cáo trên báo in với quy định diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo và phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.

Tăng diện tích quảng cáo trên báo in, giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu
Quy định về diện tích quảng cáo trên báo in luôn nhận được sự quan tâm, bàn luận sôi nổi trên nghị trường.

Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với quan điểm tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của độc giả, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau.

Xoay quanh vấn đề này, các đại biểu Quốc hội cũng có nhiều ý kiến, bàn luận sôi nổi trên nghị trường. Đây là những cơ sở để Cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo chất lượng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Lược bỏ hay quy định không vượt quá?

Trong phiên thảo luận chiều 25/11, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện thị phần quảng cáo trên báo in đang giảm mạnh. Việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giúp các cơ quan báo chí giải quyết căn bản khó khăn trong việc thực hành tự chủ tài chính. Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường. 

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Tranh luận về diện tích quảng cáo trên báo in, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều nêu quan điểm, việc nới diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính và tốt hơn trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các cơ quan báo chí gặp khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo mà khó nhất là thiếu quảng cáo. Các doanh nghiệp, các nhà quảng cáo có nhiều phương thức quảng cáo khác nữa hiệu quả hơn báo in.

Để tăng nguồn thu cho đơn vị trong đó có biện pháp tối ưu hóa lợi nhuận từ hoạt động quảng cáo, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa ủng hộ phương thức nên giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tình quảng cáo này và cùng ý kiến với đại biểu Phạm Văn Hòa.

Đại biểu cũng bày tỏ lo lắng nếu giao tự chủ, tự quyết diện tích quảng cáo này thì có thể dẫn đến một số cơ quan báo chí có lượng bạn đọc ổn định, lượng phát hành ổn định hoặc báo do ngân sách nhà nước bảo đảm mà lại tăng diện tích quảng cáo lên thì rất phản cảm.

Do đó, ngoài quy định đầy đủ, hoàn thiện về nội dung này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, nên để cơ quan báo, tạp chí quyết định diện tích quảng cáo trên báo in, trừ cơ quan báo chí đặc thù, cơ quan báo chí sử dụng ngân sách nhà nước, các cơ quan báo chí đặt hàng, các báo được bao tiêu sản phẩm…

Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho biết, theo dự thảo, Điều 21 của Luật Quảng cáo năm 2012 được sửa đổi, bổ sung, diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu để phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, tăng diện tích quảng cáo như vậy là quá cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng của thông tin chính thống, mà cũng gây ảnh hưởng trái chiều, phản ứng trái chiều từ phía độc giả. Vì vậy, dự thảo cần cân nhắc để điều chỉnh tăng gấp đôi diện tích quảng cáo so với quy định tại Điều 21 của luật hiện hành. 

Đại biểu đề xuất diện tích quảng cáo không vượt quá 20% tổng diện tích của một sản phẩm báo hoặc 30% tổng diện tích của một ấn phẩm tạp chí từ báo, tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.

Liên quan đến các ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật. Về quảng cáo trên báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí lớn để nghiên cứu các nội dung liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của các cơ quan báo chí.

Bài viết này thuộc series Theo dòng sự kiện

Xem thêm
Cùng chuyên mục