Thứ ba, 26/11/2024, 08:26 (GMT+7)

Quảng cáo 'xấu độc' tác động tiêu cực đến trẻ em, Quốc hội nêu loạt đề xuất mang tính pháp lý

Theo các đại biểu, trẻ em đang phải đối mặt với nhiều hình thức quảng cáo "xấu độc", gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, hành vi, lối sống của trẻ. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có những quy định pháp lý cụ thể.

Chiều 25/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Tại phiên thảo luận, Quốc hội ghi nhận 17 ý kiến đại biểu và 01 đại biểu tranh luận liên quan đến 05 vấn đề đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Trong đó, vấn đề bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt là các quảng cáo trên mạng xã hội được nhiều đại biểu quan tâm. 

Ảnh hưởng của quảng cáo đến trẻ em

Đại biểu Lê Văn Khảm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các tác động của quảng cáo đến trẻ em. Đó là những tác động có tính chất tích lũy đến cảm xúc, hành vi, cách cảm nhận về các chuẩn mực, tác động đến tâm lý, thái độ sống, lối sống của trẻ. Để ngăn những tác động tiêu cực của quảng cáo đối với trẻ em, Luật Quảng cáo 2012 đã có quy định về việc cấm quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, hành động trái với đạo đức và thuần phong, mỹ tục và cấm quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ em.

Tuy nhiên, những quy định này còn tương đối chung chung, chưa thực sự rõ ràng. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cần có quy định chặt chẽ hơn trong việc nhận diện, đánh giá những ảnh hưởng xấu của quảng cáo đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. 

Đại biểu Lê Văn Khảm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu Lê Văn Khảm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Theo đại biểu, nếu quảng cáo hướng đến trẻ em, ngay từ khâu thẩm định, phê duyệt đã có sự chú ý từ các chuyên gia và các cơ quan chức năng để xem xét, đánh giá. Nhưng có những quảng cáo không trực tiếp hoặc không hoàn toàn hướng đến trẻ em nhưng trẻ em cũng có thể bị tác động khi tiếp nhận quảng cáo, việc nhận diện và đánh giá tác động là khó khăn nhất định. Một số quảng cáo có thể chưa vi phạm đến thuần phong mỹ tục nhưng có những hình ảnh không đẹp mắt.

Đơn cử như quảng cáo thực phẩm có hình ảnh người truyền tải có động tác hay cách ăn uống rất xấu làm cho trẻ em tưởng rằng thế là đúng, thế là vui, trong khi chúng ta còn đang dạy trẻ em học ăn, học nói, học gói, học mở…

Vì thế, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để quy định rõ hơn nội dung về cấm quảng cáo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và phát triển bình thường của trẻ em. Theo đó, cần phải có tổ chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ đánh giá và giám sát việc quảng cáo. 

Cũng theo đại biểu Lê Văn Khảm, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định quảng cáo. Việc thành lập Hội đồng này là cần thiết song cần xác định rõ nhiệm vụ của Hội đồng. Thay vì chỉ tổ chức thẩm định quảng cáo, Hội đồng có nhiệm vụ quan trọng hơn là xây dựng bộ tiêu chí hay bộ công cụ, phương pháp đánh giá sản phẩm quảng cáo trên các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả đánh giá về tác động đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. 

Bộ tiêu chí này cũng sẽ là cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức có sản phẩm quảng cáo và người thực hiện truyền tải quảng cáo thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quảng cáo bảo đảm đúng quy định. Đồng thời, Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định quảng cáo này cũng thực hiện nhiệm vụ giám sát quảng cáo. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong việc kiểm soát, hạn chế tác động không mong muốn của quảng cáo.

Bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong quảng cáo

Theo các đại biểu, bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt là các quảng cáo trên mạng xã hội vẫn còn nhiều khó khăn.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhận định, quảng cáo trên mạng rất đa dạng và khó kiểm soát, đặc biệt quảng cáo hiển thị trên các trang web không chính thức. Các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những cách thức mới để thu hút sự chú ý của trẻ em, đôi khi vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật. Trong khi đó, nhiều phụ huynh chưa có nhận thức đầy đủ về tác hại của quảng cáo đối với trẻ em, dẫn đến việc không có sự giám sát chặt chẽ.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

"Vì vậy, đề nghị cần quy định trong dự thảo Luật về việc bổ sung định nghĩa rõ ràng về quảng cáo nhắm vào trẻ em, bao gồm cả quảng cáo trực tiếp và quảng cáo gián tiếp" - đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh. 

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Quảng cáo cần quy định chi tiết hóa các nội dung quảng cáo nhắm vào trẻ em, tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định; xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý các vi phạm; tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn chung về quảng cáo nhắm vào trẻ em trên các nền tảng xuyên biên giới.

Liên quan đến hoạt động quảng cáo trên mạng, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay, việc sử dụng các phương tiện điện tử kết nối Internet được tất cả lứa tuổi sử dụng, bao gồm cả trẻ em. Trong khi đó, việc quảng cáo trên các phương tiện điện tử là hoạt động tự động, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người sử dụng. Mặt khác, hoạt động quảng cáo trên mạng rất đa dạng, bao gồm cả các nội dung nhạy cảm và thậm chí có yếu tố không phù hợp với một số đối tượng, lứa tuổi.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Tuy nhiên, tại điểm b khoản 2 Điều 23 mới chỉ quy định: “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”. Như vậy, với thời gian 6 giây thì người sử dụng mạng cũng đã nhận biết, tiếp cận được hết nội dung quảng cáo, bao gồm cả nội dung quảng cáo không mong muốn.

Để bảo vệ trẻ em khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của các quảng cáo này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề xuất Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nên thiết kế tính năng lựa chọn hoặc không lựa chọn quảng cáo...

Tại phiên thảo luận chiều 25/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao các ý kiến, đề xuất của đại biểu Quốc hội. Ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường hôm nay và các ý kiến phát biểu thảo luận tại Tổ, để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo luật để báo cáo tại kỳ họp tới.

Bài viết này thuộc series Theo dòng sự kiện

Xem thêm
Cùng chuyên mục