Đại biểu đề xuất đưa thực đơn nhà hàng vào phạm vi điều chỉnh của Luật Quảng cáo
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, thực đơn nhà hàng ngày nay được sử dụng như một hình thức quảng cáo để thu hút sự quan tâm và kích thích nhu cầu sử dụng của khách hàng. Do đó, thực đơn nhà hàng nên được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật Quảng cáo.
Chiều 25/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung thảo luận về 05 vấn đề đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng vấn đề sử dụng tiếng Việt trong quảng cáo là vấn đề cần được quan tâm.
Theo đại biểu, trong Luật Quảng cáo hiện hành, việc sử dụng tiếng Việt được quy định tại Khoản 2, Điều 18: "Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài".
Tuy nhiên, tại những khu vực có nhiều người nước ngoài lưu trú, một số nơi có thực đơn viết tiếng Việt cỡ nhỏ hơn tiếng nước ngoài; một số nơi để tiếng Việt sau/dưới tiếng nước ngoài; có nơi không viết tiếng Việt mà chỉ có tiếng nước ngoài…. Đáng chú ý, một số nơi còn giới thiệu sản phẩm dịch vụ bằng tiếng Anh.
"Tại các trung tâm thương mại, giữa sảnh có một mô hình Noel trên bục lớn và các biển cảnh báo vấp ngã cùng các chương trình hoạt động cũng được ghi bằng chữ nước ngoài. Trong khi đó, tại trung tâm thương mại này chỉ có số ít là người nước ngoài, đại đa số là người Việt Nam" - đại biểu nêu.
Khoản 1 điều 2 của Luật Quảng cáo có quy định: “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân”.
Theo đại biểu, quảng cáo ở đây quy định chỉ nhằm giới thiệu đến công chúng, không có quy định giới thiệu là nhằm đến khách hàng nên nhiều tổ chức, cá nhân cho rằng nếu họ phục vụ cho đối tượng là khách hàng của riêng họ thì việc sử dụng ngôn ngữ thế nào là tùy họ, họ không phạm luật. Việc ưu tiên sử dụng tiếng Việt lúc này phụ thuộc vào ý thức quý trọng tiếng Việt của người cung cấp sản phẩm, dịch vụ, trong khi nhiều nơi chủ kinh doanh lại là người nước ngoài.
Để quy định chặt chẽ hơn việc sử dụng tiếng Việt trong hoạt động quảng cáo, khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng, đại biểu đề nghị bổ sung thêm từ “khách hàng” sau từ “công chúng” sau Khoản 1, Điều 2 thành “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng, khách hàng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi..”. Tương tự, bổ sung từ “khách hàng” sau từ “công chúng” tại Khoản 7, Điều 2 và Khoản 8, Điều 2.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, thực đơn trước kia khá đơn giản, chỉ ghi tên vài đồ ăn thức uống và giá sản phẩm. Trong khi ngày nay, các thực đơn đã được các cơ sở kinh doanh thiết kế công phu, bắt mắt, được sử dụng như một hình thức quảng cáo để thu hút sự quan tâm và kích thích nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Với việc bổ sung từ “khách hàng” vào sau “công chúng” trong luật, thực đơn sẽ vào phạm vi điều chỉnh của Luật Quảng cáo vì thực đơn cũng nhằm giới thiệu đến khách hàng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, tiếng Việt sẽ là ngôn ngữ bắt buộc phải có trên thực đơn toàn quốc. Khi sử dụng thực đơn có thêm tiếng nước ngoài thì tiếng Việt sẽ được trình bày ưu tiên như quy định tại Khoản 2, Điều 18 về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo.
Bài viết này thuộc series Theo dòng sự kiện
- Bộ Thông tin và Truyền thông xác định mặt trận chính trong hoạt động quản lý quảng cáo, đề xuất các bộ ngành học tập quản lý
- Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ 'chiêu bài' mặc áo blouse, xưng danh bác sĩ để quảng cáo thực phẩm chức năng
- Quốc hội nêu lý do tăng diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí: Doanh nghiệp sẽ có thêm 'đất' để quảng cáo trên loại hình này
- Vì sao lò vi sóng bị nhiễm điện? Bật mí cách khắc phục nhanh chóng, hiệu quả
- Lên đồ sang chảnh, thanh lịch cùng những món đồ dạ tweed không thể thiếu trong mùa đông này
- Đấu giá đất giá 'trên trời', Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nêu giải pháp kiểm soát
- Thị trường bất động sản miền Trung khởi sắc, người tiêu dùng quan tâm căn hộ tại Đà Nẵng và Quảng Bình
- Pepsi ‘ngụy trang’ thành thương hiệu đồ ăn nhanh, âm thầm ‘thâm nhập’ lãnh địa của đối thủ Coca-Cola
- Làm thế nào để xây dựng 'thành phố thông minh' hiệu quả?