Thuốc giả, sữa giả, quảng cáo sai sự thật đang bào mòn niềm tin xã hội
Cử tri và người dân lo lắng trước tình trạng sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc giả, quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng... Cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt để bảo vệ niềm tin xã hội.
Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp triệt phá thành công các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, lừa đảo trên không gian mạng. Bên cạnh đó, tình trạng một số người nổi tiếng chạy theo lợi nhuận, quảng cáo sai sự thật các sản phẩm liên quan đến sức khỏe cũng gây bức xúc cho người dân cả nước. Chính những "bóng đen" này đã khiến niềm tin của người dân đang bị bào mòn.
Trước thực trạng đó, cử tri và nhân dân mong muốn các cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm minh, công khai để nhân dân theo dõi, giám sát...
Niềm tin bị bào mòn từ những thứ 'giả'
Ngày 5/5, báo cáo tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân đang hết sức lo lắng, bức xúc, lên án mạnh mẽ tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, thực phẩm kém chất lượng, thuốc giả và sữa giả. Đây không còn là những vụ việc rải rác mà là một “làn sóng đen” len lỏi vào đời sống hàng ngày của người dân, từ bữa ăn đến đơn thuốc, từ cuộc gọi giả danh đến những đường link (liên kết) lừa đảo.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, chưa bao giờ những khái niệm như “sữa giả” hay “thuốc giả” khiến người dân hoang mang đến vậy. Không chỉ là hành vi gian thương đơn thuần, đó là hành động coi thường tính mạng con người. Trẻ em uống phải sữa giả có thể đối diện với nguy cơ suy dinh dưỡng; người bệnh dùng thuốc giả, nhẹ thì mất thời gian điều trị, nặng thì mất cơ hội sống.
Dù đã có quy định và chế tài xử lý, song việc hàng giả vẫn dễ dàng len lỏi vào hệ thống phân phối, từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử, cho thấy sự thiếu đồng bộ trong quản lý, kiểm soát thị trường và năng lực giám sát từ cơ sở.
Bên cạnh đó, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng cũng là một trong những mối nguy đáng báo động. Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, không gian mạng, nơi từng được kỳ vọng là môi trường sáng tạo, kết nối và minh bạch, giờ đây lại bị biến thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lừa đảo.
Những cuộc gọi giả danh công an, tòa án, ngân hàng, thậm chí là người thân, yêu cầu chuyển tiền hay cung cấp thông tin cá nhân đã trở thành “ác mộng thường nhật” với nhiều người. Chỉ cần một cú nhấp chuột vào đường link lạ, một cú điện thoại giả danh, người dân có thể mất trắng hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Điều đáng lo ngại là các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, có tổ chức và cập nhật thủ đoạn nhanh hơn cả sự phản ứng của cơ quan chức năng.
Quảng cáo sai sự thật gây bức xúc
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, tình trạng một số người nổi tiếng chạy theo lợi nhuận, quảng cáo sai sự thật các sản phẩm liên quan đến sức khỏe là vấn đề gây bức xúc. Cử tri và nhân dân mong muốn các cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm minh, công khai để nhân dân theo dõi, giám sát...
Liên quan đến vấn đề này, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định, hiện nay không ít người đang là biên tập viên, nhà báo hoặc cộng tác viên thường xuất hiện trên sóng phát thanh, truyền hình nhận quảng cáo thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và vi phạm các quy của pháp luật về quảng cáo (quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, giá, công dụng… của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố...).
Nguyên nhân của tình trạng trên là do người quảng cáo thiếu kiến thức cơ bản về quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ, nhất là thực phẩm, thuốc, dịch khám chữa bệnh - có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người hoặc không tìm hiểu kỹ về sản phẩm mình quảng cáo.

Mới đây nhất, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Quang Minh (BTV Quang Minh) và bà Nguyễn Thanh Vân (MC Vân Hugo) do có sai phạm trong hoạt động quảng cáo. Tổng mức phạt đối với BTV Quang Minh (37,5 triệu đồng) và MC Vân Hugo (70 triệu đồng) hơn 100 triệu đồng.
Ngoài ra, cả BTV Quang Minh và MC Vân Hugo đều phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm.
Cùng với đó, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử yêu cầu các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới cung cấp dịch vụ tại Việt Nam như Meta, Google và TikTok phải tăng cường các biện pháp kỹ thuật, nhân sự để rà quét, phát hiện và ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm; Tăng cường kiểm duyệt chặt chẽ nội dung trên mạng xã hội do mình quản lý;
Phối hợp ngăn chặn nội dung quảng cáo vi phạm trên mạng, kịp thời gỡ bỏ quảng cáo vi phạm khi phát hiện hoặc khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, thông báo đến người sử dụng về việc cẩn trọng khi đăng tải, chia sẻ nội dung quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng, nhất là quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quảng cáo và phản ánh với cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện nội dung quảng cáo có dấu hiệu vi phạm.