Thứ hai, 05/05/2025
logo
Tiêu dùng thông minh

Gia đình 4 người sống khỏe với 10 triệu/tháng: Mẹ đảm Hà Tĩnh bật mí mẹo chi tiêu theo kiểu Nhật giúp tiết kiệm hiệu quả

Thanh Hoa Thứ hai, 05/05/2025, 14:01 (GMT+7)

Chỉ bằng việc áp dụng mẹo chi tiêu thông minh từ người Nhật, gia đình chị Nhung dù với mức thu nhập khiêm tốn vẫn sống vui khỏe, không còn chật vật như nhiều người nghĩ.

Lập ngân sách không khó: 7 mẹo thực tế giúp người Việt ‘trị’ thói chi tiêu cảm tính

7 tuyệt chiêu bảo trì nhà cửa thông minh: Tiết kiệm hàng triệu đồng mỗi năm mà không tốn sức

Nuôi con thời ‘bão giá’: Mẹ trẻ Hà thành tiết lộ 5 bí kíp xây dựng quỹ tiết kiệm và đầu tư cho con khiến ai cũng muốn học theo

Với thực trạng chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang thì việc áp dụng cách quản lý chi tiêu thông minh, hiệu quả là điều mà nhiều người Việt đang hướng tới. Trong đó, gia đình chị Hiền Nhung (32 tuổi, Hà Tĩnh) khiến không ít người tò mò khi chia sẻ câu chuyện “sống khỏe với 10 triệu đồng/tháng” cho cả gia đình 4 người.

Không phải nằm ở bí quyết làm giàu hay mẹo kiếm tiền nhanh chóng, điều chị Nhung áp dụng là một tư duy quản lý tài chính rút ra trong 5 năm du học và làm việc tại Nhật Bản. Nơi đất khách, chị có cơ hội tiếp cận với lối sống tối giản, kỷ luật của người Nhật.

“Người Nhật không giàu nhờ kiếm được bao nhiêu, mà nhờ biết chi tiêu có mục đích và trân trọng từng đồng tiền họ làm ra”, chị Nhung mở đầu câu chuyện.

Lập kế hoạch chi tiêu theo từng tuần, mỗi đồng đều có nhiệm vụ rõ ràng

Gia đình chị Nhung hiện có 4 thành viên, gồm vợ chồng chị, một bé trai 4 tuổi và mẹ chồng đã ngoài 60. Tổng thu nhập trung bình mỗi tháng của cả hai vợ chồng khoảng 17 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ các khoản tiết kiệm dài hạn, bảo hiểm và quỹ dự phòng, chị chỉ “cho phép” gia đình chi tiêu sinh hoạt trong khoảng 10 triệu đồng.

Theo chị Nhung, điều quan trọng là lên kế hoạch ngay từ đầu tháng, chia nhỏ ngân sách thành từng tuần và từng nhóm chi tiêu cụ thể. Cụ thể, chị chia ngân sách sử dụng cho mỗi tuần vào khoảng 2,2–2,5 triệu đồng, với các khoản: thực phẩm, gas, điện nước, xăng xe, điện thoại, giải trí và các chi phí phát sinh khác.

“Mỗi tuần, mình rút tiền mặt sẵn để bỏ vào từng phong bì, giống như kiểu người Nhật quản lý ngân sách. Đến cuối tuần, kiểm tra xem có dư đồng nào không. Dư thì để vào hũ tiết kiệm nhỏ, không bao giờ đem sang ‘xài ké’ tuần sau”, chị Nhung chia sẻ.

490769727_3084307451728661_8844553303576495223_n-0932
Chị Hiền Nhung áp dụng nhiều mẹo chi tiêu học từ người Nhật cho chính gia đình mình

Bữa cơm không thiếu dinh dưỡng, chỉ cắt thừa thãi

Chị Nhung cho biết, ngày trước gia đình chị từng chi 5–6 triệu mỗi tháng với riêng tiền đi chợ. Sau khi áp dụng cách mua theo thực đơn và kiểm soát tồn kho, số tiền giảm hẳn mà bữa cơm vẫn đủ chất.

Theo đó, chị dành mỗi tuần khoảng 1 triệu đồng cho thực phẩm. Trước khi đi chợ, chị luôn lên thực đơn 7 ngày, ưu tiên món luân phiên để không bị nhàm chán. Mỗi bữa chính thường gồm các món: món mặn (cá, thịt, trứng..), món xào hoặc luộc/hấp, món canh, trái cây tráng miệng hoặc sữa chua tự làm. Chị cũng tận dụng phần thực phẩm thừa hợp lý cho mỗi bữa sáng, làm các món như: cơm rang, cháo, mì xào... 

"Tôi học được ở người Nhật nhiều mẹo hay ho về việc sử dụng và bảo quản thực phẩm. Họ thường tranh thủ mua nhiều những món khi vào mùa, sau đó về sơ chế, bảo quản cấp đông để ăn lâu ngày. Thực phẩm thừa, thậm chí họ cũng cấp đông rồi khi cần mang ra hâm lại ăn ngay sau đó".

Ngoài ra, may mắn là gia đình có một khu vườn nhỏ nên chị Nhung và mẹ chồng cũng thường xuyên trồng rau củ, cây trái. Từ đó mọi người trong gia đình luôn được ăn rau quả sạch, vừa ngon vừa tiết kiệm.

Tiết kiệm kiểu Nhật: “hũ gạo tài chính” không thể thiếu

Chị Nhung không chỉ tiết kiệm bằng cách giảm chi, mà còn chú trọng phân bổ tiền thông minh theo mô hình “Kakeibo” – một hình thức quản lý tài chính gia đình phổ biến ở Nhật.

Thay vì ghi chép thủ công, chị ghi chú lại trên điện thoại, chia làm 4 mục chính:

  • Chi tiêu cần thiết (ăn uống, điện nước, học hành): 60%

  • Tiết kiệm dài hạn (quỹ học cho con, sửa nhà…): 20%

  • Nhu cầu (áo quần, vui chơi, tặng quà): 10%

  • Phát sinh hoặc dự phòng y tế: 10%

“Mỗi đồng chi ra đều phải ‘có danh tính’. Khi mình gắn nhiệm vụ cho đồng tiền, mình sẽ đắn đo hơn trước khi tiêu nó”, chị nói.

Dạy con tiết kiệm từ sớm và không tiêu tiền khi cảm xúc chi phối

Ngoài việc quản lý tài chính gia đình, chị Nhung còn đặc biệt chú ý đến việc giáo dục con cái về giá trị của đồng tiền. Con trai chị dù mới 4 tuổi cũng đã được hướng dẫn phân biệt giữa “muốn” và “cần”. Khi con muốn mua đồ chơi, chị sẽ hỏi: “Con có thể dùng món đó trong bao lâu? Nếu không mua, có ảnh hưởng gì không?”.

“Một lần bé muốn mua ô tô đồ chơi giá 120.000 đồng. Tôi đưa ra lựa chọn: nếu bé đồng ý chờ thêm hai tuần nữa, mẹ sẽ bù thêm để mua một bộ xếp hình học toán trị giá 200.000 đồng – món đồ vừa chơi, vừa học được lâu dài. Bé chấp nhận chờ và còn thấy vui hơn khi tự lựa chọn”, chị kể lại.

Bản thân chị Nhung cũng học cách không tiêu tiền khi đang buồn, mệt hay thấy người khác khoe mua sắm. “Mỗi lần định mua đồ online, tôi để trong giỏ hàng đến mấy ngày, thậm chí cả tuần. Nếu sau đó vẫn thấy cần thiết thì mới quyết định đặt. Nhờ đó, giảm được không ít khoản chi vô lý do yêu thích nhất thời”, chị chia sẻ.

Sống đơn giản, không kham khổ

Chị Hiền Nhung không cho rằng tiết kiệm là sống kham khổ. Ngược lại, với chị, đó là cách để sống có trách nhiệm hơn với đồng tiền, với gia đình, và cả với chính bản thân mình.

“Tôi rất thích lối sống tối giản của người Nhật: ít nhưng đủ, đơn giản nhưng tinh tế. Việc biết đủ cũng giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm, ít nghĩ và dễ hài lòng hơn".

Chỉ cần có kế hoạch rõ ràng, sống tiết kiệm không hề khó. Và đương nhiên, nếu biết cách, bạn hoàn toàn có thể sống vui vẻ, khỏe mạnh chỉ với 10 triệu đồng mỗi tháng, chị Nhung nói.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục