OpenAI gia nhập đường đua thương mại điện tử: Cơ hội nào cho các nhà tiếp thị?
Việc OpenAI bắt tay với Shopify để tích hợp tính năng mua sắm trực tiếp ngay bên trong siêu ứng dụng" ChatGPT hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các nhà bán hàng tiếp thị sản phẩm.
Ra mắt vào năm 2022, ChatGPT nhanh chóng gây tiếng vang toàn cầu bởi khả năng trả lời câu hỏi, soạn thảo văn bản, sáng tạo nội dung cực kì ấn tượng. Tuy nhiên OpenAI không dừng lại ở đó - ngoài việc là một trợ lý thông minh, họ còn muốn lấn sân thương mại điện tử bằng cách biến ChatGPT thành một "nhân viên bán hàng AI".
Sự hợp tác với Shopify - hệ sinh thái với hàng triệu nhà bán hàng trên toàn cầu có thể coi là một nước đi chiến lược của OpenAI. Việc tích hợp này cho phép ChatGPT truy xuất dữ liệu trực tiếp từ các cửa hàng Shopify, cung cấp cho người dùng danh sách sản phẩm phù hợp với nhu cầu, kèm theo thông tin chi tiết như giá cả, đánh giá và chi phí vận chuyển.
Theo đó, người dùng ChatGPT có thể tìm kiếm, xem thông tin và thanh toán sản phẩm trực tiếp trong cửa sổ trò chuyện. Chẳng hạn với câu lệnh: "Tôi muốn mua đôi giày thể thao giá dưới 3 triệu đồng", ChatGPT sẽ trả về các lựa chọn từ các nhà bán hàng, hỗ trợ giải đáp thắc mắc và dẫn người dùng đến bước thanh toán cuối cùng.

Trong khi đó, người dùng hiện nay thường phải chuyển đổi giữa nhiều nền tảng, từ tìm kiếm sản phẩm trên Google, truy cập trang web bán hàng, và sau đó thực hiện thanh toán. Tuy nhiên trên ChatGPT, quá trình mua sắm sẽ diễn ra liền mạch, tích hợp trong một cửa sổ trò chuyện.
Hay với câu lệnh: "Tôi muốn mua chiếc đồng hồ sức khoẻ, thời lượng pin 15 ngày, giá khoảng 7-8 triệu đồng", ChatGPT sẽ hiển thị các sản phẩm phù hợp từ mạng lưới Shopify, kèm theo thông tin chi tiết và liên kết thanh toán.
Ngoài ra, ChatGPT cũng có thể giải đáp tất cả các thắc mắc của người dùng như "Khả năng chống nước ra sao", "Chế độ bảo hành thế nào", hay "có chương khuyến mại cho sản phẩm trong dịp này hay không"... mà không phải rời cuộc trò chuyện.
Đối với các doanh nghiệp, đây sẽ là một nền tảng lý tưởng để các nhà bán hàng quảng bá, tiếp thị sản phẩm qua các cuộc trò chuyện tự nhiên. Ví dụ, một cửa hàng thủ công tại Việt Nam có thể hiển thị sản phẩm của mình khi người dùng yêu cầu “túi xách thủ công giá rẻ”. ChatGPT sẽ đóng vai trò như một cầu nối, giúp kết nối nhà bán hàng với khách hàng tiềm năng một cách hiệu quả.
Tại Việt Nam, tính năng này chưa được triển khai chính thức nhưng kỳ vọng sẽ sớm ra mắt. Việc tích hợp các phương thức thanh toán nội địa như MoMo, ZaloPay hay ví điện tử ngân hàng sẽ là yếu tố then chốt quyết định mức độ thành công của ChatGPT trên thị trường trong nước. Tuy nhiên, việc tin tưởng ChatGPT như một công cụ tư vấn mua sắm vẫn còn rủi ro, do chatbot này đôi khi “bịa” thông tin khi không chắc chắn câu trả lời.