Họa sĩ Lê Như Nguyện và thông điệp yêu thương gửi đến phụ nữ
Nữ họa sĩ Lê Như Nguyện ra mắt triển lãm "Nguyện" với 25 tranh sơn dầu, 25 tranh acrylic, 8 tượng gốm và 10 phác thảo nhỏ vào ngày 11/6 tới đây tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Đây là triển lãm cá nhân lần đầu tiên của Lê Như Nguyện, cột mốc quan trọng đánh dấu con đường lập nghiệp và phát triển bản thân trong nghệ thuật của cô.
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp trung cấp hội họa Trường Trung cấp VHNT Trà Vinh, Lê Như Nguyện theo học hội họa tại ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Cô tham gia nhiều triển lãm nhóm, triển lãm báo cáo trại sáng tác, triển lãm khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long…trước khi trở thành hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM năm 2022.
Ngoài sơn dầu và acrylic, Lê Như Nguyện là một họa sĩ đa tài khi có thể vẽ sơn mài, làm gốm. Tranh của Nguyện có chút phong cách của các danh họa MarcChagall, David Driskell, Allan Paul…; có chút không khí từ tranh vẽ khi nằm trên giường bệnh của danh họa Frida Kahlo. Nhưng cô không ảnh hưởng trực tiếp từ họ, mà chỉ lấy cảm hứng để tìm về với chính mình.
Bình phẩm về triển lãm Nguyện, họa sĩ Vũ Trung Tần viết: “Những gam màu lạnh điểm nóng hoặc những tương phản được tác giả gia giảm một cách khéo léo, tạo cảm giác ngọt ngào, ngon mắt. Tất cả đang “đồng diễn”, sức mạnh âm ỉ, sự dịu dàng, niềm đam mê, khát khao giao cảm với cuộc sống rất đời thường”.
Lê Như Nguyện chia sẻ : “Ai cũng phải lo cơm áo gạo tiền, không ít người học mỹ thuật xong thì bị chính nỗi lo ấy cuốn họ đi luôn. Tôi cũng vậy, khi tốt nghiệp ra trường, tôi lao vào kiếm tiền lo cuộc sống, dần dần quên đi lý tưởng bán đầu của bản thân, quên đi ước mơ trở thành họa sĩ của mình trước đây”.
Và Như Nguyện nói thêm: “Nhưng tôi cũng có chút may mắn, khi bên cạnh luôn có những người bạn, những anh chị em đồng nghiệp luôn động viên, truyền lửa, thậm chí thúc giục, “chửi”, rằng phải vẽ. Đặc biệt là anh trai tôi, tuy không làm trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng anh hiểu rõ giá trị của nghệ thuật. Anh ấy thường nói tôi được học hội họa bài bản, được sống trong môi trường nghệ thuật và hơn thế nữa, còn có một trái tim đầy yêu thương, vậy tại sao không theo đuổi đam mê? Hãy sống với đam mê và để lại giá trị cho đời. Tôi không nghĩ mình vẽ là để lại giá trị gì cho đời, mà vẽ là để thỏa đam mê, vẽ để là chính mình”.
Lê Như Nguyện tâm sự: “Là phụ nữ, nên tôi thấu hiểu và đồng cảm với áp lực của các chị em trong cuộc sống hiện đại, không phải ai cũng may mắn được làm công việc mình yêu thích, làm với đam mê của bản thân. Nhưng dù guồng quay cuộc sống có nhanh thế nào, có khắc nghiệt ra sao, thì hãy luôn giữ ước mơ và đam mê của mình, sẽ có lúc tìm thấy bình yên và hạnh phúc ở đó”.
Cha của Lê Như Nguyện là nhà thơ Phạm Tường Bá, có lẽ do ảnh hưởng từ cha, nên các bức tranh của cô, dù vẽ đề tài gì, cũng bàng bạc chất thơ, cái nhìn tình cảm và sự lạc quan. Lê Như Nguyện cho hay: “Tôi tìm được “an” lúc vẽ. Vì lúc ấy chỉ tập trung vào tác phẩm, tập trung vào từng nét cọ, tâm trí không hướng ra bên ngoài nữa. Khi lòng an, thì mình dễ dàng cảm nhận niềm vui và hạnh phúc. Ai cũng có nhu cầu được yêu thương, được nâng niu, đôi khi chỉ cần một cái ôm là đủ vượt qua tất cả. Và tôi gửi tất cả mong muốn yêu thương đó vào các tác phẩm”.
Lê Như Nguyện tâm sự: “Nhìn lại bản thân ở hiện tại, tôi thấy mình quá may mắn khi quyết định bắt đầu sự nghiệp lúc chưa quá muộn. Tôi đã đọc được câu “giới hạn thời gian của mỗi người là ngày sinh ra đời và ngày mất đi”. Vậy khoảng giữa thời gian ấy mình sẽ sống như thế nào, sẽ làm những gì cho chính mình”.