Người nổi tiếng quảng cáo: Không chỉ cấm sóng, cần có chế tài đủ mạnh để răn đe!
Khi những lời xin lỗi muộn màng từ người nổi tiếng không thể xoa dịu tổn thất về sức khỏe, tài chính và niềm tin của người tiêu dùng, đã đến lúc cần một chế tài đủ mạnh để răn đe những người lợi dụng uy tín để trục lợi từ hoạt động quảng cáo.
Liên tiếp các lùm xùm liên quan đến hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng cho thấy, nếu không có biện pháp quyết liệt, tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo hàng giả ở người nổi tiếng sẽ tiếp tục tái diễn. Đặc biệt trong bối cảnh hình thức tiếp thị sử dụng người có ảnh hưởng ngày càng phổ biến, có tác động lớn đến hành vi người tiêu dùng.
Cần chấm dứt tình trạng ‘phạt cho có’
Hiện nay, khung pháp lý xử lý quảng cáo sai sự thật tại Việt Nam dựa trên Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Nghị định 38/2021/NĐ-CP, với mức phạt hành chính từ 60-80 triệu đồng cho cá nhân và 120-160 triệu đồng cho tổ chức đối với hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn. Trong trường hợp nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị cấm sóng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (tội Quảng cáo gian dối), với mức phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Tuy nhiên, các luật sư và chuyên gia cho rằng chế tài này chưa đủ sức răn đe.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, mức phạt hành chính hiện nay quá thấp so với lợi nhuận từ các hợp đồng quảng cáo. Với những người nổi tiếng, một hợp đồng quảng cáo có thể mang về hàng tỷ đồng, trong khi mức phạt tối đa cho hành vi quảng cáo gian dối là 100 triệu đồng, không đủ để tạo áp lực tài chính. Riêng với trường hợp quảng cáo sữa giả, nếu người nổi tiếng biết rõ sản phẩm không đạt chuẩn mà vẫn quảng cáo, họ có thể bị xử lý hình sự về tội “Lừa dối khách hàng” theo Điều 198 Bộ luật Hình sự, với mức phạt tù lên đến 7 năm.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law khẳng định, so với lợi nhuận khổng lồ từ quảng cáo sai sự thật, mức phạt này vẫn chưa đủ mạnh mẽ để ngăn chặn vi phạm. Việc bổ sung các hình phạt như cấm tham gia quảng cáo hoặc cấm xuất hiện trên các chương trình gameshow, truyền hình là cần thiết.
Tuy nhiên, biện pháp cấm sóng thường chỉ áp dụng ngắn hạn và không ảnh hưởng đến các nền tảng mạng xã hội, nơi người nổi tiếng vẫn hoạt động bình thường, khiến biện pháp này gần như “phạt cho có”. Do đó, việc bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật để siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội là điều cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ.
Để chấm dứt tình trạng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo hàng giả, các chế tài xử lý vi phạm có thể bổ sung theo hướng tăng nặng như phạt tiền cao hơn, yêu cầu cải chính công khai, tạm dừng hoạt động quảng cáo, thậm chí cấm quảng cáo đối với cá nhân vi phạm nhiều lần. Ngoài ra, các nội dung quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội cần được kiểm soát. Nếu có quy định yêu cầu các nền tảng phối hợp với cơ quan quản lý để rà soát, ngăn chặn quảng cáo sai phạm ngay từ đầu thì hiệu quả quản lý sẽ được nâng cao đáng kể.
Điểm 'sáng' trong quản lý hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng
Nhằm tăng cường quản lý và ngăn chặn tình trạng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) đã bổ sung quy định về vai trò và trách nhiệm của “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”, bao gồm cả những cá nhân có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Theo đó, người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo phải đảm bảo xác thực thông tin sản phẩm. Đồng thời phải có trách nhiệm kiểm chứng và xác nhận tính chính xác của thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ trước khi quảng cáo. Điều này nhằm đảm bảo rằng nội dung quảng cáo phản ánh đúng chất lượng, công dụng và nguồn gốc của sản phẩm.
Ngoài ra, người nổi tiếng phải tuân thủ quy định về nội dung quảng cáo. Quảng cáo phải phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, không vi phạm thuần phong mỹ tục, không chứa thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Trong trường hợp quảng cáo sai gây thiệt hại cho người tiêu dùng, người nổi tiếng tham gia quảng cáo có thể phải chịu trách nhiệm liên đới cùng với doanh nghiệp hoặc tổ chức quảng cáo.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, chiều 6/4, Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình cho biết: "Chúng tôi đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo. Trong quá trình sửa đổi Luật Quảng cáo chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến góp ý tâm huyết và rất xác thực với thực tiễn. Chúng tôi dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan đến người nổi tiếng tham gia quảng cáo. Trong đó nổi bật là người tham gia quảng cáo trên mạng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nói chung và Luật Quảng cáo nói riêng liên quan đến sản phẩm mình quảng cáo. Ngoài ra, phải chịu trách nhiệm, có xác minh, minh bạch cụ thể về sản phẩm mà mình quảng cáo".
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo với những quy định cụ thể về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là tín hiệu tích cực, hứa hẹn tạo ra sự thay đổi căn bản trong cách người nổi tiếng tham gia quảng cáo. Theo kế hoạch, dự thảo sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới (tháng 5/2025).