Thứ bảy, 19/04/2025
logo
Tiêu điểm

Chủ tịch Hòa Phát: Sẵn sàng cung cấp sắt, thép chất lượng cao cho các dự án đường sắt trọng điểm

Thụy Bình Thứ năm, 17/04/2025, 17:07 (GMT+7)

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, sẽ cung cấp sắt, thép để làm đường ray, ga tàu, hầm chui... cho tất cả dự án đường sắt trọng điểm quốc gia.

Mắc áo thép Việt Nam tiếp tục bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá hơn 200%

Hòa Phát mua dây chuyền sản xuất thép cho đường sắt cao tốc

Mỹ khởi xướng rà soát hành chính với đinh, ống thép và lốp xe tải hạng nhẹ của Việt Nam

Ngày 17/4, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Sự kiện năm nay đón hơn 1.000 cổ đông tham dự trực tiếp, đại diện hơn 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành.

Mở đầu đại hội, tỷ phú Trần Đình Long cho biết Hòa Phát hiện đã có hơn 194.000 cổ đông, là doanh nghiệp có nhiều cổ đông nhất Việt Nam và có hơn 1.000 người tham dự đại hội. "Hòa Phát đã trở thành doanh nghiệp quốc dân", ông Long nói.

Năm nay, Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu 170.000 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện năm 2024. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 15.000 tỷ đồng, tăng 25%.

cthp
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long giải đáp thắc mắc của các cổ đông Hòa Phát tại đại hội đồng cổ đông ngày 17/4.

Hồi đáp các vấn đề cổ đông quan tâm về việc cung cấp thép cho các dự án trọng điểm quốc gia ngành đường sắt, ông Long cho biết, trong cuộc họp tháng 9/2024, Chính phủ đã đề xuất Hòa Phát nghiên cứu sản xuất đường ray chất lượng cao phục vụ cho các tuyến tàu cao tốc tương lai.

Hòa Phát khẳng định đường sắt (thông thường và cao tốc), Hòa Phát có thể cung cấp sắt, thép để làm đường ray, ga tàu, hầm chui... chủ yếu là phần nền, không sản xuất toa tàu. Trên cơ sở cân đối nguồn lực, tập đoàn đã quyết định triển khai dự án sản xuất đường ray tại Dung Quất 2 với quy mô đầu tư 14.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, lễ động thổ sẽ diễn ra trong tháng 5 tới và đơn hàng đầu tiên dự kiến có thể xuất xưởng vào tháng 5/2027.

Trong quý 1/2025, Tập đoàn Hòa Phát đã triển khai Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 đúng tiến độ, chạy thử phân kỳ 1. Trong suốt những năm qua, tập đoàn liên tiếp thực hiện đầu tư vào các dự án lớn. Bài toán của công ty thép lớn nhất Việt Nam là đầu ra cho sản phẩm, trong bối cảnh ngành thép liên tiếp bị đánh các đòn thuế quan từ chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia.

“Với năng lực hiện có, Tập đoàn đang hướng mạnh vào sản xuất các loại thép chất lượng cao góp phần thay thế hàng nhập khẩu. Hòa Phát đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để triển khai sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo đặt hàng của Chính phủ cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia, các ngành công nghiệp ô tô, đường sắt, đóng tàu... và xuất khẩu ra thế giới”, tỷ phú Trần Đình Long nhấn mạnh.

Để chuẩn bị cho các dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng cũng như hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc và Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong năm 2024, Hòa Phát đã ký hợp đồng với Tập đoàn MFL Group (Italy) - nhà cung cấp thiết bị sản xuất cáp thép dự ứng lực (PC Strand) lớn nhất thế giới nhằm đầu tư nâng gấp đôi công suất thép dự ứng lực.

Với các dự án đường sắt kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc, Chủ tịch Hòa Phát cho biết cần xem xét kỹ từng đề án cụ thể trước khi quyết định tham gia.

Ngoài ra, tỷ phú Trần Đình Long cũng chia sẻ một tín hiệu tích cực là Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ cơ chế giao đơn hàng và nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp lớn, trong đó có Hòa Phát.

Ngay sau “siêu dự án” Dung Quất, Tập đoàn Hòa Phát đang lên kế hoạch cho các dự án lớn tại Phú Yên. Mới đây, Hòa Phát đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Phú Yên về việc nghiên cứu đầu tư 3 dự án chiến lược với tổng vốn hơn 120.000 tỷ đồng (tương đương gần 5 tỷ USD).

Các dự án bao gồm: Khu công nghiệp Hòa Tâm (13.300 tỷ đồng), Cảng Bãi Gốc (24.000 tỷ đồng) và Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (86.000 tỷ đồng). Ông Long kỳ vọng các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 lao động tại Phú Yên và đóng góp ngân sách mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng.

Liên quan đến chiến lược tự chủ và tối đa hóa lợi nhuận từ nguồn nguyên liệu đầu vào, tỷ phú Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát luôn có kế hoạch tìm kiếm, thăm dò và xem xét các cơ hội mua lại mỏ quặng sắt, do đây là một trong hai cấu phần nguyên liệu chính (cùng với than) trong sản xuất thép.

Ông nhận định nguồn quặng sắt trên thế giới thực tế rất dồi dào. Minh chứng là sự xuất hiện của những nguồn cung mới hàng trăm nghìn tấn từ các khu vực ở Châu Phi, một số thậm chí chưa có tên trên bản đồ quặng thế giới (như siêu dự án Simandou)…

“Nóng” với phương án phân chia lợi nhuận

Đáng chú ý, cách đây ít ngày, Hòa Phát đã thay đổi phương án chi trả cổ tức năm 2024 và tỷ lệ dự kiến năm 2025. Theo nghị quyết mới công bố, Hòa Phát sẽ bỏ cổ tức bằng tiền mặt và trả toàn bộ 20% cổ tức bằng cổ phiếu, dự kiến phát hành thêm gần 1,3 tỷ cổ phiếu.

Doanh nghiệp đưa ra lý do điều chỉnh là từ diễn biến của chính sách thuế nhập khẩu đối ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và trên cơ sở thận trọng nhằm đảm bảo nguồn vốn tiền mặt. Với tỷ lệ chia cổ tức 2025, Hòa Phát giữ nguyên tỷ lệ dự kiến là 20%.

Trước đó, tại tài liệu Đại hội đồng cổ đông công bố hồi cuối tháng 3/2025, Hòa Phát lên phương án chi trả cổ tức năm 2024 với tổng tỷ lệ 20%, gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Theo phương án này, với gần 6,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến số tiền chi trả cổ tức bằng tiền mặt ước tính khoảng 3.198 tỷ đồng và số cổ phiếu phát hành thêm là 960 triệu cổ phiếu mới.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục