Mở đường bay tới Côn Đảo, giá vé khứ hồi của Vietjet Air cao nhất tới 10 triệu đồng vẫn cháy hàng
Chặng bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo được Vietjet Air chính thức khai thác từ ngày 19/4 tới, bằng máy bay Comac C909 do Trung Quốc sản xuất, giá vé khứ hồi cao nhất khoảng 10 triệu đồng.
Từ 2/12, Vietjet mở đường bay thẳng TP.HCM - Điện Biên
Vietjet mở bán triệu vé giá từ 0 đồng cho loạt đường bay châu Á mới mở
Cụ thể, từ ngày 19/4, Vietjet Air chính thức khai thác các đường bay từ TP HCM và Hà Nội đi Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bằng máy bay Comac C909. Đây là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng, gắn với nghĩa trang Hàng Dương và phần mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
Theo đó, mỗi ngày, hãng hàng không này khai thác 2 chuyến từ Hà Nội đến Côn Đảo, khởi hành lúc 6h45’ và 9h15’ và chiều ngược lại cất cánh lúc 11h35’ và 14h05’. Thời gian bay mỗi lượt dự kiến khoảng 2 giờ 10 phút. Tương tự, trên chặng TP HCM - Côn Đảo, mỗi ngày Vietjet cũng có 2 chuyến từ Tân Sơn Nhất và hai chuyến ngược lại.

Đáng chú ý, ngay trong ngày đầu mở bán (15/4), nhiều thời điểm các chặng bay đã hết sạch vé cả hạng phổ thông và hạng thương gia.
Trên trang cá nhân Facebook, ông Đinh Việt Phương, CEO Vietjet cũng đăng tải hình ảnh chiếc C909 tại sân bay Nội Bài với màu sắc, logo của Vietjet và gọi đây là "dấu mốc mới" của hãng. Trước tình trạng vé “cháy hàng”, vị CEO Vietjet này cũng phải thốt lên: “Có khi nào mà Tổng Giám đốc không có vé cho ngày khai trương. Tất cả vé ra đi trong nốt nhạc. Xin cảm ơn quý vị hành khách. Đành làm quan sát viên”.
Ghi nhận trên hệ thống bán vé của Vietjet Air ngày 16/4 cho thấy, giá vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội - Côn Đảo trong ngày bay thương mại đầu tiên của Vietjet thấp nhất từ hơn 8,6 triệu đồng với hạng vé phổ thông (đã bao gồm thuế, phí). Mức giá này cũng được hãng duy trì trong thời gian tiếp sau đó. Còn giá vé khứ hồi hạng Skyboss (hạng ghế thương gia) khoảng 10 triệu đồng.

Vé bay từ Hà Nội đến Côn Đảo của Vietjet có giá 3,47 triệu đồng một chiều chưa gồm thuế phí. Ảnh chụp màn hình.
Trong khi đó, chặng bay TP HCM - Côn Đảo ngày 19/4 của Vietjet thông báo đã hết chỗ. Còn tại ngày 20/4, giá vé khứ hồi hạng phổ thông là gần 3,5 triệu đồng/vé, hạng Skyboss là hơn 6,5 triệu đồng/vé.
Đặc biệt, với chặng bay đi/đến Côn Đảo, Vietjet Air thông báo không cung cấp dịch vụ hành lý ký gửi. Hành khách chỉ được mang hành lý xách tay theo quy định (10kg). Như vậy, với giá vé máy bay cao nhất lên tới 10 triệu đồng, Hà Nội - Côn Đảo được cho là chặng bay nội địa có giá vé đắt đỏ nhất.

Trong một diễn biến khác, trước đây, chặng bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo từng được hãng hàng không Bamboo Airways khai thác bằng tàu phản lực khu vực Embraer E190 với giá không dưới 3 triệu đồng một chiều. Hành trình này của Bamboo Airways thường có giá phổ biến dao động 7 - 8 triệu mỗi vé khứ hồi hạng phổ thông.
Từ tháng 4/2024, khi Bamboo Airways ngừng khai thác chặng Hà Nội - Côn Đảo, mức giá vé tới điểm đến này trở thành tâm điểm được dư luận quan tâm. Đến nay, giá vé chặng bay đặc thù này cũng có xu hướng tăng mạnh hơn.
Ở diễn biến liên quan, trước đó, vào cuối năm 2024, Vietjet đã có báo cáo đề xuất Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) về việc đưa 2 máy bay Comac C909 do Công ty Thương mại máy bay Trung Quốc (Comac) sản xuất vào khai thác tại Việt Nam. Hai máy bay này được Vietjet ký hợp đồng thuê ướt (thuê cả tàu bay và phi hành đoàn) của hãng hàng không Chengdu Airlines (Trung Quốc).
Mới đây nhất, Nghị định số 89/2025/NĐ-CP ngày 13/4/2025 vừa được Chính phủ ban hành, sửa đổi quy định về các chủng loại máy bay nhập khẩu vào Việt Nam, mở rộng thêm quy định về nhập khẩu máy bay từ nhiều nơi.
Trước đó, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 89/2019/NĐ-CP quy định: Các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp Chứng chỉ loại tàu bay.
Nghị định số 89/2025/NĐ-CP quy định các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được một trong các tổ chức sau: Nhà chức trách Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA), Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA), Nhà chức trách hàng không Brazil, Nhà chức trách hàng không Canada, Nhà chức trách hàng không Liên bang Nga, Nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh, Nhà chức trách hàng không Trung Quốc (CAAC) cấp hoặc Bộ Xây dựng cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận loại.
Như vậy, quy định mới sẽ cho phép việc nhập khẩu máy bay được phê duyệt bởi nhiều nước hơn, bao gồm Brazil, Canada, Nga, Vương quốc Anh, và Trung Quốc.