Ra mắt tuyển thơ và tập truyện ký của nhà thơ Nguyễn Văn Á
Tập thơ "Giọt sương bên cửa sổ" và tập truyện ký "Phía Nam sông Bến Hải" của nhà thơ Nguyễn Văn Á là những trang viết đầy rung động của một cựu chiến binh dùng văn chương để tri ân cuộc đời, tri ân người có công với nước, là nghĩa cử cao đẹp, đạo lý uống nước nhớ nguồn của người cầm bút.
Ra mắt tập thơ "Nhặt dọc đường" của nhà báo Thuận Hữu
Lần đầu tiên Cần Thơ có lễ hội âm nhạc thể thao đỉnh cao VPBank Can Tho Music Night Run 2024
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Nơi lưu giữ những giá trị của nền báo chí nước nhà
Ngày 12/4, tại Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Văn Á tổ chức ra mắt hai tác phẩm, gồm tập thơ "Giọt sương bên cửa sổ" và tập truyện ký "Phía Nam sông Bến Hải" do Nhà xuất bản Văn học phát hành, hướng tới kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Sự kiện quy tụ nhiều văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học.

Buổi ra mắt không chỉ là dịp tôn vinh tâm huyết dành cho trang viết của nhà thơ Nguyễn Văn Á, mà còn là nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, khơi dậy trong lòng độc giả tình yêu với văn học, lịch sử và những giá trị nhân văn cao đẹp.
Nhà thơ Nguyễn Văn Á bày tỏ: “Những gì tôi viết ra trong tập thơ “Giọt sương bên cửa sổ” chính là tiếng tơ lòng và truyện ký “Phía Nam sông Bến Hải” là sự khởi đầu của nghiệp văn chương sau 55 năm cầm súng và cầm bút. Dùng văn chương để tri ân cuộc đời, tri ân người có công với nước, là nghĩa cử cao đẹp, đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đó là thông điệp tôi muốn gửi đến bạn đọc”.

“Giọt sương bên cửa sổ” là tập thơ được tác giả viết từ năm 1971 đến 2024, gồm 3 phần. Phần 1 “Giọt sương bên cửa sổ” là những bài thơ nói về tình yêu đôi lứa, tình yêu của người lính đối với quê hương và đất nước, nguyện chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.
Phần 2 “Khúc giao mùa” là những bài thơ viết về tình yêu và thế sự. Dù là tâm sự riêng nhưng cũng phản ánh được phần nào thời cuộc. Phần 3 “Hoài niệm” là những bài thơ đầy nhớ thương của tác giả với quê hương, chiến trường, đồng đội, người thân, bè bạn…
Nhận định về tác phẩm, PGS, TS, nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tú chia sẻ: “Giọt sương bên cửa sổ nói lên nhân cách đáng kính trọng của người lính, vẽ lên một thời đại văn hóa tất cả vì Tổ quốc quyết sinh. Tập thơ khiến tôi như đọc lại phần đời mình trong suy nghĩ của thế hệ đi trước. Phải chăng thơ là tiếng nói tri âm, đồng điệu là như vậy".

Hai tập thơ và truyện ký của tác giả Nguyễn Văn Á.
Tiếp nối mạch cảm xúc ấy, tập truyện ký "Phía Nam sông Bến Hải" là hồi ức từ những năm tháng chiến đấu khốc liệt của nhà thơ Nguyễn Văn Á trên đất lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị), theo bước tiến của Quân giải phóng đến mùa Xuân 1975 lịch sử.
Truyện ký “Phía Nam sông Bến Hải” gồm 2 phần. Trong đó, phần 1 “Khi miền Nam vẫy gọi” gồm 19 bài viết về những trận đánh tác giả cùng đồng đội đã kinh qua, những kỷ niệm cùng đồng đội và ký ức về những người anh hùng thầm lặng chưa được vinh danh.
Phần 2 “Trầm tích” gồm 10 bài viết về hành trình hậu chiến của ông để tri ân đồng đội, trả lại tên cho liệt sĩ cùng sự quyết tâm để huy động mọi nguồn lực xây dựng nên những công trình tưởng niệm nằm bên sông Bến Hải.
Về tập truyện ký này, Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh chia sẻ, không chỉ là một vùng ký ức chân thực của một cựu chiến binh đã có những tháng ngày cùng đồng đội chiến đấu kiên cường trên nhiều mặt trận để đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, "Phía Nam sông Bến Hải" còn là những trang văn học sử giá trị với nhiều biên độ cảm xúc, mang hơi thở chân thực và góc nhìn xác tín của người trong cuộc nên thực sự ấn tượng với người đọc.
“Qua “Phía Nam sông Bến Hải” người đọc sẽ thấy nỗi đau của người lính trận trào lên trang viết, sẽ thấm thía sâu hơn về sự tàn khốc của chiến tranh và vết thương hậu chiến không thể nào lành lại. Nhưng cũng qua đó, ta thấu hiểu được cái giá của hòa bình và tự hào về một dân tộc Việt Nam anh hùng, với ý chí, nghị lực, sức mạnh đại đoàn kết đã làm nên những chiến công vĩ đại”, nhà văn Phạm Vân Anh khẳng định.
Nhà thơ Nguyễn Văn Á sinh năm 1952 tại làng Văn Giang (nay là thôn Đại Thịnh), xã Sơn Thịnh (nay là An Hòa Thịnh), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, bút danh là Khánh Văn. Ông tham gia quân đội vào tháng 8/1971, có hàng chục năm lăn lộn trên khắp nẻo chiến trường khốc liệt.
Là người lính trưởng thành từ chiến trường khốc liệt, các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Văn Á là kết tinh từ trải nghiệm, tâm hồn sâu sắc và lý tưởng phụng sự Tổ quốc không chỉ bằng súng mà còn bằng ngòi bút. Ông là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, từng được nhận nhiều giải thưởng tại các cuộc thi viết về đề tài chiến tranh cách mạng.