Ra mắt tập thơ "Nhặt dọc đường" của nhà báo Thuận Hữu
Sáng 5/4, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển và Quảng bá sách văn học Việt Nam - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ ra mắt hai cuốn sách: Tập thơ "Nhặt dọc đường" của nhà thơ Thuận Hữu và tập bút ký "Xa và gần" của nhà văn Phan Đức Nhạn với nhiều nội dung phong phú, mang đến cơ hội để công chúng tiếp cận gần hơn với những tác phẩm đặc biệt.
Lần đầu tiên Cần Thơ có lễ hội âm nhạc thể thao đỉnh cao VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Lễ ra mắt hai cuốn sách vừa là một sự kiện văn học đặc biệt, vừa mang kỷ niệm sâu sắc về tình bạn bền chặt, gắn bó suốt nhiều thập kỷ giữa nhà thơ Thuận Hữu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và nhà văn Phan Đức Nhạn, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI.
Các tác giả đều là những người con của mảnh đất miền trung gian lao, anh dũng, đã cùng nhau trải qua bao thăng trầm của đời sống, để rồi tình cảm, niềm tin, khát vọng đã trở thành một phần không thể thiếu trong những tác phẩm tích lũy theo năm tháng.

Sự kiện ra mắt hai cuốn sách được tổ chức trong không gian trang trọng mà ấm áp của phòng nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành đã tham dự hoặc gửi lẵng hoa chúc mừng các tác giả.

Phát biểu trong lễ ra mắt sách, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều gửi lời chúc mừng nồng nhiệt và sâu sắc tới hai tác giả. Ông nhấn mạnh, đây là dịp tôn vinh tâm huyết dành cho trang viết của nhà thơ Thuận Hữu và nhà văn Phan Đức Nhạn, đồng thời khơi dậy trong lòng bạn đọc tình yêu với văn học, lịch sử và những giá trị nhân văn cao đẹp. Đó cũng là lời khẳng định văn học Việt Nam vẫn tiếp tục hành trình ghi dấu, bồi đắp những câu chuyện đẹp đẽ và ý nghĩa của con người và thời đại.
Qua các tác phẩm, vẻ đẹp của văn chương, giá trị nhân văn và tâm hồn người viết đã hiện ra rõ nét, giúp mở ra cho người đọc thế giới đầy rung cảm mà họ vốn chưa có dịp thấu hiểu.

Nhà thơ Thuận Hữu đã có lời cảm ơn và chia sẻ đầy xúc động tại buổi ra mắt sách. Ông bày tỏ, bản thân mình là con của ngư dân làng chài ở miền ví giặm, nơi có ngôi làng nhỏ tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra biển khơi. Người con ấy đã từ miền quê nghèo đi ra, may mắn làm nghề báo, được đi nhiều, học nhiều và sống ở nhiều miền quê khác nhau của Tổ quốc. Trong hơn 20 năm gắn bó với miền trung Tây Nguyên, ông đã gặp và thân thiết với nhà văn Phan Đức Nhạn.
Trong trái tim của nhà thơ, đó là miền đất thấm đẫm tình người, nơi "ta như sông Hàn giấu vào lòng tất thảy", nơi thốt lên từng lời yêu thương, sâu nặng "Quảng Nam ơi suốt đời ta mắc nợ". Nhà thơ Thuận Hữu cũng chia sẻ về mảng thơ đề tài tình yêu mà ông nhận được nhiều câu hỏi để khẳng định: "Được làm người, được sống để yêu thương/ Điều kỳ diệu hơn mọi điều kỳ diệu". Với ông, tình yêu đẹp nhất và lớn nhất thuộc về miền tưởng tượng.

Tập thơ "Nhặt dọc đường" của nhà thơ Thuận Hữu là tác phẩm thứ tư, sau những tác phẩm ông đã xuất bản: "Những phút xao lòng" (tập thơ, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam-Đà Nẵng, 1987), "Ngọn đèn ban ngày" (tập truyện, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1988), "Biển gọi" (tập thơ, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2000).
"Nhặt dọc đường" gồm hơn 100 bài thơ, được bố cục ba phần: Quê hương-đất nước; Người thân-ký ức; Tình biển-tình em. Tập sách mang tinh thần dung dị mà đầy sức mạnh, nơi mỗi câu chữ là tiếng ngân vang của một tâm hồn nhạy cảm và yêu đời. Dù luôn khiêm nhường không nhận danh xưng "nhà thơ", nhưng tác phẩm của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm qua những vần thơ tự nhiên như hơi thở, giản dị như cuộc sống.

Thơ ông gợi hình ảnh những phận người đi trên cát nóng, đi trong mưa gió, đi trong mọi buồn vui của cuộc đời: "Tôi là con của một vùng đồi/ Nhưng cũng là con của biển/ Tình đất nước quyện vào máu thịt/ Tôi lớn lên trong nắng gió núi đồi và sóng nước đại dương".
Ngay cả khi ông viết về nỗi buồn, đau đớn, bất trắc... thì cuối cùng cái đẹp, tình yêu thương, ánh sáng của niềm hy vọng và sự kiêu hãnh vẫn vang lên: "Hơn hai mươi năm cay đắng ngọt bùi/ Ta như sông Hàn giấu vào lòng tất thảy/ Giữa đen bạc cuộc đời dòng sông vẫn chảy/ Đà Nẵng vẫn nồng say hương vị nụ hôn đầu". Nhà thơ Thuận Hữu có nhiều bài thơ, câu thơ xúc động: "Chiều cuối năm con mái đầu bạc trắng/ Lặng lẽ ngồi bên nấm mộ mẹ xanh".

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: "Chỉ hai câu thơ đầy hình ảnh viết về mẹ đã nói tới tận cùng nỗi cô đơn của một người con không còn mẹ. Nói về cô đơn mà không dùng bất cứ một tính từ nào chỉ nỗi cô đơn. Cái màu trắng của tóc trên đầu người con trong không gian ấy, thời gian ấy làm tôi thấy mỗi cõi lòng tan hoang của người con mang tên Thuận Hữu".
Rất nhiều bài thơ của Thuận Hữu là sự khám phá thiên nhiên, khám phá con người để từ đó gửi lại cho chúng ta những thông điệp của đời sống. Thơ ca không đến từ một hành tinh xa lạ trong vũ trụ vô tận này. Thơ ca đến từ mọi nơi, mọi chốn, mọi kiếp người mà ta đã đi qua, đã sống cùng. Thơ ca đợi con người mang một trái tim yêu thương, một cái nhìn sâu sắc, một khát vọng đẹp đẽ bước tới để nó trao cho con người đó cảm hứng, ngôn từ và sự suy tưởng và biến những điều bình dị ấy thành thơ và biến con người đó thành nhà thơ.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều
Trong nhận định về tập thơ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: "Thơ Thuận Hữu giống như một quả chuông, chuyển động trong đời sống, chạm vào niềm vui, nỗi buồn và tự vang lên. Khi ông viết về nỗi đau hay bóng tối, cái đẹp, tình yêu thương và ánh sáng hy vọng vẫn vượt qua tất cả để ngân vang". Từ hình ảnh cây thông chơ vơ trên đỉnh núi, những vỏ ốc biển kể chuyện đại dương, đến nỗi cô đơn trước mộ mẹ, thơ Thuận Hữu là hành trình khám phá vẻ đẹp và thông điệp của lẽ sống trong những điều bình dị nhất.
Tập thơ vang lên lời tự sự của một con người từng đi qua nắng gió núi đồi và sóng nước đại dương, cũng mở ra lời mời gọi mỗi người lắng nghe những âm thanh kỳ diệu của cuộc đời, từ đó tìm lại những giá trị tưởng chừng đã lãng quên.
Tập bút ký "Xa và gần" của Phan Đức Nhạn là tiếng nói từ trái tim của một người con sinh ra và lớn lên trên vùng cát trắng Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) - mảnh đất thấm đẫm máu và mồ hôi trong bom đạn chiến tranh. Với giọng văn mộc mạc, chân thành, tác giả đưa người đọc trở về một thời bi tráng, nơi những con người của vùng quê bình dị đã viết nên huyền thoại của khát vọng hòa bình mãnh liệt.
Nhận định về tập bút ký, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhấn mạnh: "Đó không phải là những trang văn hay trang sử thông thường. Đấy là một cái gì đó cao hơn tất cả, được viết bởi một con người đã sống vùi trong cát, trong bom đạn, trong máu chảy và trong những giấc mơ bất diệt về hòa bình". Tác phẩm là lời nhắc nhở đầy ám ảnh về sự lãng quên quá khứ trong những năm tháng hòa bình hôm nay, đồng thời là bài ca kỳ vĩ về ý chí và lòng quả cảm của con người Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xúc động bày tỏ: Trong một ngày nào đó chúng ta đi trên mảnh đất Bình Dương, chúng ta sẽ gặp màu xanh cây lá, gặp những bông hoa mọc lên từ cát, gặp những ánh mắt, nụ cười đôn hậu, nghe những giọng nói thanh thản ngập tràn yêu thương của những con người đang sống nơi đây. Chúng ta sẽ mang cảm giác đang ở trên một vùng đất thanh bình như vốn thế từ ngàn năm mà chưa hề có một ngày đau thương. Nhưng nếu chúng ta đã đọc "Xa và gần" thì sẽ bàng hoàng nhận ra ta đang ở trên một vùng đất của những gì tàn bạo nhất, đau thương nhất mà cũng con người nhất, khát vọng nhất và quả cảm nhất.
Phan Đức Nhạn không định làm nhà văn hay sử gia. Ông chỉ là một con người bước ra từ vùng cát ấy, từ đời sống ấy, từ lịch sử ấy, từ huyền thoại ấy và cất lên tiếng nói thay cho những con người Bình Dương - những người đã ngã xuống và những người đang sống.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều
Mỗi trang sách như từng lớp cát trắng Bình Dương, giấu vùi trong đó những câu chuyện bi hùng. Phan Đức Nhạn vừa là nhân chứng, vừa như một phần không thể tách rời của vùng đất ấy. Ông mang đến cho độc giả hình ảnh những "vị thánh", cũng là những người con mộc mạc của quê hương Bình Dương đã hy sinh tất cả để bảo vệ hòa bình, để lại bài học sâu sắc về lương tri và trách nhiệm với lịch sử.
Hai cuốn sách được in trên giấy đẹp, bìa cứng với những bức tranh của các họa sĩ đương đại nổi tiếng. Tập bút ký "Xa và gần" sử dụng tranh của ba họa sĩ: Đào Hải Phong, Đỗ Trung Quân và Vũ Trọng Anh làm phụ bản.
Tập thơ "Nhặt dọc đường" có 30 bức tranh phụ bản họa sĩ Đào Hải Phong vẽ theo cảm xúc từ những câu thơ gợi mở trong suốt năm 2024 và vừa kết thúc gần đây. Các tranh phụ bản cũng được trưng bày tại buổi lễ ra mắt sách, tạo nên bản giao hòa độc đáo của ngôn từ và hình khối, màu sắc.
"Tôi vẽ những con đường mà nhà thơ Thuận Hữu đã đi qua. Sẽ có người thấy quen thuộc, bởi họ cũng từng đi qua những cung quãng ấy, ở một thời gian nào đó. Có ba điểm, tôi đóng đinh, làm xương cho "Nhặt dọc đường". Một là, những đường đi, tự tôi đã bị cuốn theo sự xê dịch của tác giả khi đọc thơ, ngay tên sách đã phản ánh phần nào cái sự đi ấy. Hai là, những dấu mốc ở vệ đường, với tôi mọi chuyến đi đều bắt đầu từ km số 0. Ba là, biển - nơi tác giả gắn bó nhất và thật tình cờ, tôi đã có khoảng thời gian vừa đủ để hiểu biển...
Họa sĩ Đào Hải Phong
Là một trong những người đầu tiên đọc bản thảo của nhà thơ Thuận Hữu và cũng như người viết, anh miệt mài sáng tác, thấu hiểu tác phẩm để tìm đến một lối đi đậm "Lối Phong" trong cái chất thơ tự nhiên, giản dị và đầy dụng ý.

Họa sĩ Đào Hải Phong cho rằng, nếu đọc (thơ) và vẽ (tranh) như nhau thì họa sĩ đã làm mất thì giờ của chính mình và của người đọc (xem) bởi anh không cho phép mình "thuật lại thơ", dịch thơ sát nghĩa như công tác dịch thơ, dịch thuật. Khi vẽ những bức tranh có hình ảnh những con đường ở nhiều không gian, thời gian, địa hình, địa vật khác nhau... Đào Hải Phong hoàn toàn có chủ ý.