Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Nơi lưu giữ những giá trị của nền báo chí nước nhà
Những trang báo cũ, cuốn sổ ghi chép đã nhuốm màu thời gian, ba lô và chiếc võng thủng, máy quay ngựa trời và hình ảnh những người tiên phong tại Bảo tàng Báo chí, đã tái hiện lại một cách sính động những câu chuyện của người làm báo, dòng chảy lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023) cùng chúng tôi khám phá những kỷ vật đã nhuốm màu thời gian trong lịch sử nền Báo chí cách mạng nước nhà.
Những hiện vật “đầu tiên” của lịch sử Báo chí Việt Nam được trưng bày trong Bảo tàng Báo chí
Kỷ vật đặc biệt trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Năm 1955, để tuyên truyền, động viên mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vạch trần âm mưu thủ đoạn thâm độc của Mỹ - Diệm, Đài Truyền thanh Vĩnh Linh được thành lập với hệ thống truyền gồm 3 máy tăng âm và 4.000 loa nhỏ, xe lưu động gắn loa 180W và loa đại có công suất lên đến 500W phục vụ công tác binh vận, địch vận, hệ thống truyền thanh giới tuyến chạy dọc theo sông Bến Hải từ Cửa Tùng đến Hói Cụ dài trên 10 km.
Đây là thế hệ loa thứ 3, được dùng di động trên bờ Bắc sông Bến Hải trong giai đoạn 1960 - 1972. Chiếc loa có công suất 500W, được ghép từ 3 đoạn, hai đoạn đầu tạo thành thân loa, chiều dài 1,41 m, đoạn cuối là vỏ chứa tổ hợp khuếch đại âm thanh có chiều dài 0,72 m, toàn bộ mặt bên trong phẳng, mặt bên ngoài được đúc gờ nổi dọc thân. Hiện vật kể câu chuyện lịch sử của hơn 50 năm trước tại vĩ tuyến 17.
Đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tiếp nhận và trưng bày hàng chục ngàn hiện vật, tài liệu tái hiện lại những giai đoạn lịch sử của các thế hệ làm báo đi trước. Trong số đó, có rất nhiều hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam. Ðây là những tư liệu hiện vật vô cùng quý giá, cần được bảo vệ, phát huy và giữ gìn.