Người nổi tiếng quảng cáo: Khi niềm tin từ công chúng trở thành ‘công cụ’ để cá nhân trục lợi!
Bản chất của quảng cáo là “mua - bán” niềm tin. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, niềm tin này đã bị lợi dụng, trở thành “công cụ” để cá nhân trục lợi thông qua hành vi quảng cáo sai sự thật, thậm chí là quảng cáo hàng giả.
Trước ồn ào bị tố quảng cáo sữa giả, sữa kém chất lượng, MC Quyền Linh nói gì?
Từ vụ phát hiện đường dây sữa giả: Làm sao nhận biết sữa bột giả giữa thị trường hỗn loạn?
Những lời xin lỗi ‘muộn màng’...
Thời gian qua, hàng loạt người nổi tiếng bị dư luận “réo tên” vì quảng cáo sai sự thật, quảng cáo hàng giả. Các mặt hàng này chủ yếu liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, sữa… Sau khi sự việc bị phanh phui, những người nổi tiếng này thường có một phương án xử lý chung là “xin lỗi” công khai, đôi khi kèm nước mắt hoặc cam kết “sẽ cẩn trọng hơn”. Nhưng liệu một lời xin lỗi có đủ để xoa dịu những tổn thất không thể đo đếm, từ sức khỏe người tiêu dùng đến niềm tin bị đánh cắp?
Có thể kể đến trường hợp của diễn viên Cát Tường và MC Quyền Linh - cặp đôi gây bức xúc và thừa nhận sai sót quảng cáo cho sản phẩm “sữa trị tận gốc tiểu đường”. Cả hai sau đó đã phải lên tiếng xin khán giả tha thứ vì “nổ” quá đà khi quảng cáo; hoa hậu Mai Phương Thúy cũng từng công khai xin lỗi khán giả vì quảng cáo sản phẩm giảm cân đã bị thu hồi giấy phép; bộ ba Quang Linh Vlogs - Hằng Du Mục và Thùy Tiên mới đây cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi quảng cáo “một viên kẹo bằng một đĩa rau”...

Chưa hết bức xúc, vụ việc những người nổi tiếng như diễn viên Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh,…“tiếp tay” quảng cáo sữa giả do Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất, kinh doanh - đơn vị vừa bị khởi tố, điều tra liên quan đến đường dây sản xuất hơn 500 loại sữa giả tiếp tục gây rúng động dư luận. Đến tối ngày 16/4, “kịch bản” xin lỗi quen thuộc tiếp tục lặp lại sau nhiều ngày người nổi tiếng bị “réo” tên.
Với trường hợp này, hệ lụy không chỉ là số tiền 500 tỷ đồng được thu lợi bất chính sau 4 năm tuồn hàng giả ra thị trường, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin, sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng còn là vết thương sâu sắc về sức khỏe và niềm tin. Theo PGS-TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, sữa giả có thể khiến bệnh nền như tiểu đường trở nên nặng hơn do các thành phần như đường, đạm, vi chất không đạt chuẩn, thậm chí chỉ dưới 70% công bố. Nếu dùng sữa giả lâu dài, trẻ có thể chậm phát triển, thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng trí não. Thai phụ thiếu dưỡng chất có thể khiến thai nhi nhẹ cân, sinh non hoặc thấp còi.
Rõ ràng, ảnh hưởng của sữa giả là vô lường và những đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em hay các bệnh nhân sẽ phải trả giá bằng sức khỏe khi dùng sản phẩm kém chất lượng. Hệ quả của hành vi “quảng cáo” sữa giả dù là vô tình hay cố ý đều không thể đảo ngược và một lời xin lỗi dù chân thành đến đâu cũng không thể bù đắp những tổn hại đã gây ra.
Người nổi tiếng có thể lấy lại niềm tin?
Khi những gương mặt quen thuộc trên màn ảnh trở thành “đồng phạm” trong chuỗi lừa dối, công chúng không khỏi đặt câu hỏi: Liệu niềm tin của họ có đang bị biến thành công cụ trục lợi? Và liệu những lời xin lỗi muộn màng có thể giúp những người nổi tiếng lấy lại niềm tin?
Dưới góc độ truyền thông, chuyên gia Lê Hồng Thắm - Founder & CEO tại Real Up Agency cho rằng, bản chất của tiếp thị, quảng cáo là quá trình xây dựng niềm tin và cảm xúc của người tiêu dùng thông qua các phương tiện. Khi người tiêu dùng tin tưởng và yêu mến một ai đó hoặc một thương hiệu nào đó, họ sẽ ra quyết định mua nhanh chóng hơn do cảm xúc quyết định.
Theo một khảo sát của ngành Thương mại điện tử, Việt Nam là nước có tỉ lệ mua hàng dựa vào ảnh hưởng của review và KOLs cao nhất Đông Nam Á. Điều này cho thấy người tiêu dùng Việt rất cảm xúc, dễ tin và sẵn sàng chi tiền nếu niềm tin được khơi gợi đúng cách.
Chính vì thế, các sản phẩm thuộc nhóm chăm sóc sức khỏe như sữa, thực phẩm chức năng… thường được tiêu thụ mạnh mẽ dựa vào sự tin tưởng chứ không phải vì hiểu biết sâu về thành phần hay giá trị dinh dưỡng.

Cũng theo vị chuyên gia này, niềm tin vừa là yếu tố dẫn dắt hành vi tiêu dùng nhưng nó cũng là “miếng mồi” cho những chiến dịch quảng cáo sai sự thật. Thực tế, nhiều nhà sản xuất chọn cách tối ưu chi phí, phóng đại công dụng, dùng ngân sách lớn để mua lời khen từ những người nổi tiếng và đánh vào cảm xúc của người tiêu dùng bằng các hình ảnh, thông điệp gắn mác ‘khoa học’ nhưng không có kiểm chứng.
“Trong chuỗi thao túng niềm tin này, bất kỳ ai tham gia vào việc phát ngôn, dù là ca sĩ, diễn viên… nếu không hiểu rõ sản phẩm, không có bằng chứng xác thực mà vẫn đưa ra các cam kết công khai, đều đang góp phần vào một hành vi truyền thông sai lệch. Đó không còn là marketing, mà là thao túng cảm xúc và lợi dụng uy tín để lừa dối niềm tin của người hâm mộ với mình.
Ngoài các hậu quả về sức khỏe, đạo đức, khi xu hướng này nở rộ và tạo ra kết quả không như mong muốn, người tiêu dùng sẽ nhận ra niềm tin của mình bị lợi dụng. Từ đó, mất lòng tin vào những người đáng ra phải có trách nhiệm với cộng đồng, vào sản phẩm Việt Nam, vào quảng cáo”, chuyên gia nhấn mạnh.