Giải mã chiến lược mạng xã hội của Nike: Công thức tạo nên 'đế chế' truyền thông triệu đô
Truyền thông xã hội là nhân tố đóng vai trò then chốt, giúp Nike định hình hình ảnh, lan tỏa thông điệp thương hiệu và xây dựng cộng đồng trung thành trên toàn cầu.
Oreo 'chấm bánh vào vũ trụ': Chiến dịch marketing đậm chất không gian, chinh phục cả Đông Nam Á
Duolingo đã làm gì để trở thành 'bậc thầy' truyền thông xã hội?
Nike không đơn thuần là thương hiệu bán giày hay đồ thể thao. Họ là biểu tượng của cảm hứng sống, là người bạn đồng hành cùng hàng triệu người luôn nỗ lực chinh phục mục tiêu.
Chiến lược truyền thông mạng xã hội của Nike là minh chứng sống động cho việc một thương hiệu có thể vươn tầm ảnh hưởng toàn cầu nếu biết kết hợp khéo léo giữa sáng tạo, dữ liệu và giá trị nhân văn. Hãy cùng giải mã công thức thành công phía sau 'đế chế triệu đô' này.
Hiện diện đa nền tảng: Mỗi kênh, một chiến lược riêng
Không giống như nhiều thương hiệu chỉ dừng lại ở việc đăng bài “cho có”, Nike khai thác tối đa tiềm năng của từng nền tảng mạng xã hội. Họ sở hữu hàng chục tài khoản phụ được phân loại theo môn thể thao (Nike Football, Nike Basketball, Nike Yoga…), khu vực địa lý hoặc đối tượng mục tiêu như Nike Women, Nike Running.
Sự phân tầng này giúp Nike cá nhân hóa nội dung theo sở thích và nhu cầu của từng nhóm người theo dõi. Trên Instagram, họ dùng Reels để kể chuyện thương hiệu bằng những thước phim ngắn truyền cảm hứng. Trên YouTube, họ đầu tư các video hậu trường, phóng sự thể thao dài hơi. Twitter lại là nơi cập nhật nhanh các chiến dịch xã hội và phản hồi tức thì với cộng đồng.

Nội dung truyền cảm hứng, đúng “chất Nike”
Thay vì tập trung vào việc bán sản phẩm, Nike kể những câu chuyện chạm đến cảm xúc và khơi dậy tinh thần thể thao. Đó là hành trình đầy nỗ lực của các vận động viên, những thước phim ngắn đầy cảm hứng về vượt qua giới hạn hay đơn giản là khoảnh khắc đời thường của người dùng với đôi giày Nike đồng hành.
Chất lượng hình ảnh và video của Nike cũng luôn ở mức cao nhất. Mỗi bài đăng không phải một nội dung rời rạc mà là mảnh ghép trong tổng thể câu chuyện thương hiệu. Thương hiệu thường xuyên cập nhật các xu hướng mới như nội dung dạng dọc, video ngắn, tính tương tác cao... giúp họ luôn nằm trong top đầu về mức độ hiển thị và lan tỏa.
Xây dựng cộng đồng trung thành mạnh hơn cả quảng cáo
Nike không chỉ có người theo dõi, họ có cả cộng đồng. Bằng việc sử dụng các hashtag thương hiệu như #JustDoIt, #TeamNike hay tạo nhóm cho các bộ môn thể thao, Nike kết nối người dùng cùng chí hướng, tạo sân chơi để họ chia sẻ thành tựu, câu chuyện, thậm chí cả khó khăn.
Hơn thế nữa, Nike không ngại phân bổ nguồn lực để quản lý các tài khoản phụ, ví dụ như Nike Running Club hay Nike Training Club – nơi người dùng cảm thấy được đồng hành và hỗ trợ trong hành trình thể chất của họ. Chính sự gắn kết này là nền tảng cho lòng trung thành và uy tín lâu dài.
Hợp tác chiến lược với người ảnh hưởng
Nike nổi tiếng là thương hiệu “chịu chơi” khi hợp tác với nhiều người có sức ảnh hưởng, đặc biệt là các vận động viên hàng đầu như Cristiano Ronaldo, LeBron James, Serena Williams hay các nhân vật văn hóa như Travis Scott, Colin Kaepernick.
Những chiến dịch như Dream Crazy không chỉ gây sốt trên truyền thông mà còn tạo ra làn sóng tranh luận xã hội mạnh mẽ, từ đó lan tỏa hình ảnh thương hiệu như một biểu tượng của công bằng và cảm hứng sống.
Đặc biệt, mỗi sự hợp tác của Nike không đơn thuần là chiêu trò marketing ngắn hạn. Họ lựa chọn đối tác dựa trên sự phù hợp về giá trị và tầm ảnh hưởng lâu dài.

Dữ liệu là kim chỉ nam cho mọi quyết định
Nike không chỉ sáng tạo giỏi mà còn phân tích dữ liệu cực kỳ bài bản. Thông qua các chỉ số như tỷ lệ tương tác, lượt chia sẻ, bình luận hay phạm vi tiếp cận... thương hiệu liên tục điều chỉnh nội dung cho từng nền tảng của mình.
Theo thống kê tại các nền tảng của Nike:
-
Instagram mang về tỷ lệ tương tác trung bình 0,03% với hơn 101.000 lượt thích mỗi bài đăng.
-
Twitter có tỷ lệ tương tác 0,08% – chủ yếu nhờ vào các tweet video.
-
TikTok cho thấy mức độ gắn kết cao hơn với 0,72% nhờ nội dung ngắn, bắt trend.
-
YouTube đứng đầu với tỷ lệ tương tác lên đến 0,91%, nhờ các video hậu trường được đầu tư chỉn chu.
Không dừng lại ở đó, Nike còn theo dõi “phân tích cảm xúc” (sentiment analysis) để đo lường mức độ hài lòng của người dùng. Trong vòng 30 ngày gần nhất, thương hiệu nhận được hơn 79.000 đề cập tích cực, so với 11.000 tiêu cực – phần lớn đến từ Twitter. Đây là cơ sở để Nike điều chỉnh chiến lược nội dung kịp thời.
Mạng xã hội là mảnh ghép không thể thiếu trong chiến lược thương hiệu toàn cầu
Không ngoa khi nói rằng mạng xã hội là trụ cột trong chiến lược tiếp thị của Nike. Nó không chỉ giúp thương hiệu tiếp cận khách hàng mới, mà còn giữ chân và truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới.
Một điểm thú vị là Nike không quá “spam” người dùng. Họ chọn đăng nội dung chất lượng, đúng thời điểm thay vì tần suất dày đặc. Cách làm này giúp duy trì sự hấp dẫn mà không gây cảm giác quá tải thông tin.
Ông CEO Lưu Trường An, Co-Founder IGC Group nhận định, truyền thông xã hội không còn là một "tùy chọn", mà là nền tảng bắt buộc trong mọi chiến lược marketing hiện đại.
"Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm, họ tìm kiếm sự kết nối, cảm hứng và giá trị. Truyền thông xã hội chính là cầu nối để thương hiệu chạm đến trái tim khách hàng theo cách trực diện và cá nhân hóa nhất. Từ việc lắng nghe phản hồi, chia sẻ câu chuyện thương hiệu, cho đến việc khơi gợi hành động qua những chiến dịch sáng tạo... Mạng xã hội trao cho thương hiệu quyền năng tương tác theo thời gian thực, điều mà không một kênh truyền thống nào có thể làm được.
Lợi ích lớn nhất của truyền thông xã hội, theo tôi là khả năng tạo nên mối quan hệ hai chiều giữa thương hiệu và khách hàng. Đây là môi trường nơi bạn không cần ngân sách khổng lồ để được chú ý mà cần sự hiểu người, sự chân thành và chiến lược đúng đắn. Một bài đăng viral, một video bắt trend đúng lúc hay một cú reply thông minh trên Twitter… đôi khi có sức lan tỏa gấp trăm lần một TVC bạc tỷ".

Quan trọng hơn, các nền tảng xã hội như Instagram, TikTok hay YouTube còn mang đến dữ liệu thời gian thực, giúp thương hiệu nắm bắt nhanh xu hướng, hiểu rõ hành vi người dùng và liên tục điều chỉnh chiến lược. Trong kỷ nguyên số, tốc độ và khả năng thích nghi chính là chìa khóa sống còn.
"Với vai trò vừa là sân chơi, vừa là chiến trường, truyền thông xã hội không chỉ giúp thương hiệu được biết đến mà còn được yêu mến và chọn lựa. Và điều đó, đối với bất kỳ nhà làm marketing nào, chính là chiến thắng lớn nhất!", CEO Lưu Trường An cho hay.