Tại sao Cục An toàn thực phẩm yêu cầu kiểm tra hoạt động quảng cáo Nutri Brain IQ và sữa Hikid?
Cục An toàn thực phẩm yêu cầu kiểm tra, xử lý việc quảng cáo sai sự thật sản phẩm Nutri Brain IQ và sữa Hikid sau khi báo chí phản ánh dấu hiệu "thần dược hóa" sản phẩm.
Bộ Y tế đề nghị làm rõ, xử lý vi phạm quảng cáo sữa của BTV Quang Minh và Vân Hugo
MC Quyền Linh khẳng định không liên quan đến vụ 573 loại sữa giả
Trước ồn ào bị tố quảng cáo sữa giả, sữa kém chất lượng, MC Quyền Linh nói gì?
Trước phản ánh của báo chí về việc một số sản phẩm thực phẩm chức năng có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật, ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành hai văn bản đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) liên quan đến sản phẩm Nutri Brain IQ và sữa Hikid.
Cụ thể, trong Văn bản số 754/ATTP-NĐTP, Cục An toàn thực phẩm nêu rõ, quảng cáo sản phẩm thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ có dấu hiệu “thổi phồng” công dụng, thậm chí bị phản ánh như là “thần dược chữa bệnh tự kỷ” – một nội dung vi phạm nghiêm trọng các quy định về quảng cáo thực phẩm.
Cơ quan quản lý yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tiến hành kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh và quảng cáo sản phẩm này, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, đồng thời báo cáo kết quả về Cục.

Cùng ngày, tại Văn bản số 741/ATTP-NĐTP, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục đề nghị kiểm tra hoạt động quảng cáo sản phẩm sữa Hikid – một thương hiệu sữa nhập khẩu được phản ánh có nội dung quảng cáo không đúng quy định, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Cơ quan chức năng được yêu cầu làm rõ các nội dung được báo chí phản ánh và có phản hồi chính thức tới Cục cũng như cơ quan truyền thông liên quan.
Theo đó, trên Fanpage “Hikid Vietnam” gần đây quảng cáo sữa Hikid với các cụm từ như “số 1 chiều cao”, “100g Hikid = 2mg CBP = 20L sữa tươi”, gây tranh cãi về tính xác thực và dấu hiệu "thổi phồng" công dụng sản phẩm. Theo quy định, các cụm từ như “số 1”, “duy nhất” chỉ được phép sử dụng khi có bằng chứng cụ thể từ cơ quan chức năng, điều mà Hikid hiện chưa công bố.
Các video quảng cáo liên tục khẳng định khả năng tăng chiều cao vượt trội cho trẻ, dễ khiến phụ huynh hiểu nhầm sản phẩm có công dụng như thuốc. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng sữa Hikid chỉ là thực phẩm bổ sung, không thể thay thế vai trò của sữa tươi hay bữa ăn chính.
Trước phản ứng từ dư luận, Công ty TNHH XNK và TM Phương Linh – đơn vị nhập khẩu và phân phối Hikid tại Việt Nam – đã lên tiếng thừa nhận chưa có cơ sở khoa học cho phép so sánh lượng CBP trong Hikid với sữa tươi và cam kết sẽ điều chỉnh thông tin truyền thông theo hướng minh bạch hơn.

Việc Cục An toàn thực phẩm vào cuộc kiểm tra kịp thời là cần thiết nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng – lĩnh vực đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia nhưng vẫn tồn tại tình trạng quảng cáo sai lệch, gây ngộ nhận về công dụng.
Các chuyên gia cũng nhiều lần cảnh báo: Thực phẩm bổ sung không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Người tiêu dùng cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào, đặc biệt với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ hoặc người bệnh.