Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 23/06/2023, 19:02 (GMT+7)

Hóa đơn tiền điện tăng đột biến: Những việc cần kiểm tra ngay

Cắt điện triền miên trong khi lượng điện sử dụng vẫn như vậy nhưng nhiều hộ gia đình tá hỏa phát hiện hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt, có người tăng gấp 3-4 lần so với tháng trước.

Hóa đơn tiền điện tăng đột biến, vì sao?

Những ngày qua, trên mạng xã hội nhiều người đã đăng tải những hình ảnh tin nhắn hóa đơn hoặc thông báo thu tiền điện cùng những thắc mắc về số tiền điện tăng gấp đôi, thậm chí là 3-4 lần so với các tháng trước mặc dù số lượng thiết bị điện sử dụng vẫn như cũ. Cụ thể, chị Nguyễn Thu Huyền (Sinh năm 1985, Thanh Hóa) cho biết, hóa đơn tiền điện của gia đình chị thường khoảng 600-700.000 đồng, tuy nhiên, số tiền điện phải thanh toán tháng 5 tăng vọt lên tới 1.400.000 đồng. Đáng nói, khu vực nơi chị Huyền sinh sống trong tháng 5 thực hiện lịch cắt điện luân phiên tổng là 11 ngày. 

20160616082745-hoa-don-di
Hóa đơn tiền điện nhiều hộ gia đình tăng đột biến trong tháng 5

Việc này khiến nhiều người dân hoang mang do chưa tìm ra “thủ phạm” làm cho hóa đơn tiền điện tăng bất thường. Khi có nhiều ý kiến về tiền điện trong hoá đơn tăng bất thường, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã lên tiếng giải thích: Khi vào mùa nắng nóng, các hộ khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn. 

Theo phân tích của chuyên gia, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa có thể tăng 2 – 3%. Nhiệt độ tăng khoảng 5 độ C thì điện năng tiêu thụ có thể tăng tới 10%. Bên cạnh đó, nhiệt độ môi trường, công trình kiến trúc, hấp thu nhiệt từ bê tông, tường xây, không gian sử dụng thiết bị điện, đặc tính của thiết bị điện, hiệu ứng nhà kính, thiếu cây xanh, thiết bị điện chưa có công nghệ tiết kiệm điện năng,… đều ảnh hưởng đến việc tiêu hao công suất sử dụng điện.

Từ ngày 4/5, bảng giá điện sinh hoạt cũng tăng 3% với mức thấp nhất là 1.728 đồng/kWh, cao nhất 3.015 đồng/kWh tăng lần lượt 50-88 đồng/kWh so với giá cũ. Theo cách tính giá điện lũy tiến như hiện tại, nếu khách hàng sử dụng lượng điện từ bậc 6 trở lên sẽ phải chịu áp mức giá cao nên khiến hóa đơn tiền điện tăng mạnh.

Một trong những nguyên nhân khác khiến hóa đơn tiêu thụ điện tăng có thể do đồng hồ điện chạy sai nhưng không phát hiện, gây ra lượng điện tiêu thụ ghi nhận tăng vọt mỗi tháng. Lý do dẫn đến điều này là đồng hồ điện không được kiểm tra định kỳ hoặc thay mới trong thời gian quá lâu. Bởi nếu đồng hồ điện sử dụng quá lâu thì hiệu suất dẫn điện sẽ kém hơn. Thông thường, thời gian định kỳ kiểm tra chất lượng sử dụng của công tơ điện tử là 6 năm và công tơ điện cơ là 5 năm. Ngoài ra, bụi bẩn, độ ẩm thấp cũng có thể là tác nhân khiến đồng hồ chạy không chính xác...

Cách xử lý khi hóa đơn tiền điện tăng bất thường

Với trường hợp nghi ngờ đồng hồ điện chạy sai thì người dân có thể yêu cầu đưa đi kiểm định chất lượng. Nếu đồng hồ chạy không đúng thì bên điện lực sẽ hoàn lại số tiền điện tính dư do đồng hồ chạy sai và phí kiểm tra cho gia đình đó. Trường hợp kết quả kiểm định đồng hồ bình thường, thì hộ gia đình đó phải thanh toán tiền điện như bình thường cho công ty điện lực và theo dõi trong các tháng tới.

Ngoài ra, một cách khác để tự kiểm tra đồng hồ điện là ngắt hết tất cả các thiết bị điện trong gia đình, đảm bảo chúng không hoạt động. Sau đó kiểm tra chỉ số trên đồng hồ điện. Nếu các chỉ số vẫn nhảy, chứng tỏ đồng hồ điện chạy không chính xác. Người dân nên lấy điện thoại chụp hình hoặc quay video lại, rồi liên hệ ngay điện lực địa phương để có hướng khắc phục kịp thời. 

cach-xem-cac-loai-dong-ho-dien-hien-nay-don-gian-v-652x367
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, người dân có thể tải ứng dụng EVNCPC CSKH về điện thoại để theo dõi lượng điện tiêu thụ theo từng ngày. Việc chủ động theo dõi chỉ số điện năng sẽ giúp kiểm soát sản lượng điện, sử dụng điện một cách hợp lý, hiệu quả, không để tình trạng hóa đơn tăng “chóng mặt”,… Mặt khác, việc này sẽ kịp thời phát hiện chỉ số tăng bất thường do rò rỉ, chạm chập đường dây sau công tơ.

Khi phát hiện có bất thường về sản lượng điện, người dân cũng có thể khiếu nại tiền điện tăng đột biến vào đường dây nóng Công ty điện lực theo số hotline dưới đây:

Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực Thành Phố Hà Nội: 19001288

Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực miền Bắc: 19006769

Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực miền Trung: 19001909

Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực miền Nam: 19001006 – 19009000

Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực Thành Phố Hồ Chí Minh: 1900545454

Mặt khác, để hạn chế tình trạng hóa đơn tăng gấp 3-4 lần trong thời gian nắng nóng, EVN đã cảnh báo và khuyến khích người dân điều chỉnh lại thói quen sử dụng và tiết kiệm điện. Theo đó, người dân nên tắt hết các thiết bị điện khi thật sự không cần thiết hoặc không sử dụng đến; Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, cũng như luồng gió ngoài trời; Sử dụng các đồ dụng điện trong nhà đúng chuẩn, các đầu nối dây dẫn điện phải đảm bảo đúng quy chuẩn kỹ thuật điện; Không sử dụng các thiết bị có công suất lớn trong cùng một ổ cắm điện; Thường xuyên kiểm tra định kỳ thiết bị điện và vệ sinh hằng ngày để bảo quản tốt hơn các thiết bị. Đặc biệt, khi mua các thiết bị điện mới thì bạn nên chọn những dòng sản phẩm có áp dụng công nghệ tiết kiệm điện năng, hoặc các loại đèn chiếu sáng có năng suất cao.

Cùng chuyên mục