Thứ tư, 07/06/2023, 09:20 (GMT+7)

EVN đề xuất tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9 để bù đắp thua lỗ

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Tiếp thị Gia đình - Đầu tháng 5, giá điện đã được điều chỉnh tăng 3%, tuy nhiên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại vừa đề xuất tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9.

Thông tin từ Cổng thông tin Văn phòng Chính phủ, trong báo cáo trình Chính phủ, EVN và các đơn vị thành viên cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính do sự tăng đột biến của giá nhiên liệu (giá than, giá khí, giá dầu), tỷ giá ngoại tệ tăng cao. Tác động của giá nhiên liệu tăng đột biến khiến chi phí mua điện tăng quá cao, trong khi đó giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2022 không được điều chỉnh kịp thời dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị cả năm 2022 lỗ 26.463 tỉ đồng. 

2-chot-166446209025212777
Ảnh minh họa

Việc điều chỉnh giá bán lẻ bình quân tăng 3% lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 4/5, dự kiến doanh thu bán điện của EVN tăng thêm được khoảng 8.000 tỉ đồng trong các tháng còn lại năm 2023. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết, mức tăng này chưa thể cân đối được khoản chi phí mua điện năm 2023 và EVN vẫn khả năng còn lỗ, cộng với khoản lỗ năm 2022 chuyển sang 26.463 tỉ đồng, dự kiến ước thực hiện cả năm 2023, EVN lỗ 40.884 tỉ đồng.

Do đó, Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời theo các thông số đầu vào cơ bản trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện trong giai đoạn 2023-2025. Đồng thời, cho phép EVN tiếp tục được điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 1/9 để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo quy định, đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN.

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các ĐBQH cho rằng, việc tiếp tục tăng giá điện chắc chắn sẽ tác động lớn đến các mặt hàng tiêu dùng khác. ĐBQH Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) kiến nghị cần thay đổi phương pháp tính giá điện theo hướng quy định thống nhất một bậc. Cụ thể, thay vì phương pháp tính giá điện 6 bậc thì áp dụng thống nhất một giá bán điện sẽ tốt hơn cho công tác quản lý và bảo đảm được quyền lợi, lợi ích của người dân.

Theo ĐBQH Đỗ Thị Lan, cử tri Quảng Ninh cho rằng: “Việc tăng giá điện sinh hoạt do nguyên nhân EVN có lỗ lớn, kéo dài và do tổn thất của điện năng là chưa phù hợp. Do đó, cần EVN báo cáo rõ đã thực hiện tinh giản bộ máy biên chế như thế nào? Giải pháp cắt giảm chi phí, giảm giá sản xuất điện? Giải pháp cung - cầu điện có đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội không? Ngoài ra, việc chọn thời điểm tăng giá điện khi doanh nghiệp gặp khó khăn, nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân tăng lên có phù hợp không? Có việc bù chéo giá điện sinh hoạt cho giá điện sản xuất không?". 

nh chụp màn hình 2023-06-07 085251
ĐBQH băn khoăn tăng giá điện có việc bù chéo giữa điện sinh hoạt cho giá điện sản xuất không?

Trong khi đó, ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cũng cho rằng, cần phải xem xét lại chi phí hệ thống vận hành đường truyền tải điện, chi phí cho sản xuất điện của EVN khi nhiều người vẫn lo ngại chi phí này quá lớn do bộ máy hoạt động cồng kềnh, mà điều này lại tính hết vào giá thành. Đại biểu nhấn mạnh: “Có một giai đoạn EVN lấy tiền tích lũy để đầu tư vào bất động sản, khu nghỉ dưỡng dẫn đến thua lỗ, rồi tính hết vào giá điện, tôi không rõ đến nay, việc điều tra vấn đề này thực hiện đến đâu mà chưa thấy công khai”.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đặt vấn đề, từ năm 2010 đến nay, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện. Theo đó, giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,444 đồng/kWh (vào năm 2019); đến nay vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện. Cử tri đặt câu hỏi về năng lực quản lý khi các công ty con của EVN vẫn công bố thu lợi nhuận cao.

Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, rà soát chi tiêu, đời sống của lãnh đạo ngành điện trong bối cảnh thua lỗ. Bên cạnh đó, việc sản xuất điện cần phải song hành với việc cải thiện hạ tầng truyền tải khi nhà nước đã đồng ý cho bổ sung hàng loạt dự án năng lượng tái tạo. Nếu EVN tư vấn đầy đủ cho các chủ đầu tư dự án điện tái tạo thủ tục cấp phép hòa lưới điện, đàm phán giá công khai, minh bạch, sẽ không thiếu điện và không phải tăng giá điện. 

Cùng chuyên mục