EVN điều chỉnh giá điện tăng thêm 3% từ 4/5
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông báo từ hôm nay 4/5 chính thức tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 3% so với giá hiện hành.
Quyết định về việc điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân được tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký ban hành vào ngày 27/4 và áp dụng điều chỉnh giá từ hôm nay 4/5. Theo đó, mỗi kWh điện sẽ tăng gần 56 đồng, từ mức bình quân hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh lên mức 1.920,3732 đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành và căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Công thương. Trước đó, Bộ Công thương cũng đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2022.
Cụ thể, giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2021 là 1.859,9 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Như vậy, giá thành sản xuất điện đã chính thức vượt 2.000 đồng/kWh, cao hơn mức giá điện bán lẻ bình quân hiện hành (1.864,44 đồng/kWh) là 167,82 đồng.
Do đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng. Nhờ đó, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện giảm lỗ còn 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Kết quả kinh doanh lỗ nặng là nguyên nhân chính EVN đề xuất tăng giá điện. Theo đại diện EVN, năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì số lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng; trong đó 6 tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng.
Liên quan đến việc tăng giá điện, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho hay, theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, sẽ căn cứ vào thông số đầu vào. Nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Ngược lại, trường hợp khi thông số đầu vào biến động làm cho giá bán điện bình quân giảm so với mức hiện hành thì giá điện cũng được điều chỉnh giảm.
Nếu giá bán điện bình quân tăng 3-5% so với mức giá hiện hành, EVN được quyết định điều chỉnh giá; mức giá bán lẻ bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% thì thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương và tăng từ 10% trở lên thì sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến. Như vậy, với mức tăng 3%, việc tăng giá điện lần này thuộc thẩm quyền của EVN.
EVN thông báo tới quý khách hàng sử dụng điện về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện như trên và mong tiếp tục nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của khách hàng đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.