Gỡ điểm nghẽn để ngành quảng cáo TP HCM phát triển bùng nổ
Ông Nguyễn Thanh Đảo - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) - Chủ tịch Hội Quảng cáo TP HCM (HAA) nhận định: TP HCM là thị trường “vàng” để các doanh nghiệp quảng cáo phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên hiện nay vẫn còn “nút thắt” khiến các doanh nghiệp chưa khai thác hết tiềm năng.
Loạt thách thức bủa vây doanh nghiệp quảng cáo
Là một chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo, ông Nguyễn Thanh Đảo nhận định, TP HCM là địa bàn năng động, đầu tàu kinh tế của cả nước nên hoạt động quảng cáo vô cùng sôi động với nhiều hình thức quảng cáo khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo hiện nay vẫn còn nhiều bất cập khiến doanh nghiệp quảng cáo chưa phát huy được thế mạnh để khai thác hết tiềm năng.
Ông Đảo dẫn chứng, vấn đề tồn đọng nhiều năm nay của ngành quảng cáo tại TP HCM là chưa có quy hoạch về quảng cáo ngoài trời nên doanh nghiệp không phát triển được quảng cáo mới. Có doanh nghiệp linh hoạt vận dụng các cơ chế để "cắm" bảng quảng cáo ngoài trời trong khi chưa có quy hoạch đều ít nhiều vi phạm các quy định hiện hành.
Hiện nay, xu hướng quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, Tiktok, Linkedin... đang gia tăng, hình thức đa dạng, phong phú. Hình thức quảng cáo này đã dẫn đến vấn nạn xâm phạm bản quyền, quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn, trái thuần phong mỹ tục... Hệ lụy khiến người tiêu dùng bức xúc, gây nhiễu thông tin.
“Nổi cộm nhất thời gian qua là vấn nạn quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng, sữa... được phóng đại giống như “thần dược” dễ gây ngộ nhận về tác dụng thực sự của sản phẩm. Không những thế, nhiều quảng cáo sử dụng hình ảnh các văn nghệ sĩ và người nổi tiếng, y bác sĩ, nêu những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc chưa được các cơ quan quản lý nhà nước thẩm định nội dung. Chính điều đó đã gây nhiều mặt trái trong xã hội, làm thị trường trở nên bất ổn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới các nhà kinh doanh chân chính khác”, Chủ tịch HAA nhấn mạnh.
Ông Đảo cũng cho rằng: "Sự tăng tốc mạnh mẽ của quảng cáo trên nền tảng số sẽ là thách thức đối với không ít doanh nghiệp quảng cáo truyền thống, buộc doanh nghiệp phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ để bắt nhịp với thực tế. Song song với việc chuyển đổi thì thời gian tới, trong các sản phẩm quảng cáo sáng tạo phải lồng ghép và chứa đựng các giá trị văn hóa nhân văn, tinh thần dân tộc. Để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp quảng cáo cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa doanh nghiệp phát triển, từ đó cả ngành quảng cáo sẽ phát triển, đóng góp nhiều hơn vào giá trị của xã hội”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ pháp luật trong quảng cáo. “Không thể có sản phẩm quảng cáo mang tính văn hóa nếu sản phẩm đó vi phạm pháp luật” - ông Đảo nói.
Luật Quảng cáo sửa đổi là cú hích để doanh nghiệp quảng cáo phát triển
Theo dự thảo đề án phát triển ngành quảng cáo, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 đóng góp 2,6% GRDP, khoảng 32.000 tỉ đồng cho ngân sách. Điều này càng khẳng định rõ TP HCM đang trở thành "địa chỉ vàng" cho các doanh nghiệp triển khai chiến dịch truyền thông quảng bá thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ của mình.
Để giải quyết các điểm nghẽn như nêu trên nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 thì vai trò của Luật Quảng cáo sửa đổi là vô cùng to lớn. Ông Đảo cho biết, dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi lần này sẽ bổ sung một số quy định mới về hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Cụ thể, cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo như: “Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển hoạt động quảng cáo, chính sách phát triển ngành công nghiệp quảng cáo, quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Bổ sung thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quy định cụ thể thời hạn treo băng rôn, bảng quảng cáo trên địa bàn…
Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định, biện pháp chế tài đủ mạnh để xử phạt người vi phạm, đủ sức răn đe, tạo môi trường lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động quảng cáo phát triển.
“Theo dự thảo của Luật Quảng cáo sửa đổi có nhiều điểm siết chặt hơn trong hoạt động quảng cáo. Cụ thể, bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2, Điều 36 như sau: Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên.
Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ. Người quảng cáo phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa dịch vụ và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận nội dung quảng cáo trước khi thực hiện. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người quảng cáo phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Việc nghiên cứu ban hành các quy định chi tiết về hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội ở Luật Quảng cáo sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt vi phạm đối với các hành vi quảng cáo sai trái trên mạng xã hội, từ đó điều chỉnh hành vi của các chủ thể quảng cáo theo hướng chuẩn mực”, ông Đảo nói.
Toàn TP HCM hiện có gần 10.000 bảng quảng cáo sử dụng công nghệ và hạ tầng viễn thông. Tuy nhiên, do pháp luật về quảng cáo chưa quy định rõ trách nhiệm của ngành về quản lý, kiểm tra và xử lý về nội dung đăng phát trên nền tảng này nên dẫn đến sự chồng lấn về chức năng, thẩm quyền thực hiện. Thành phố hiện có 4.734 km đường giao thông đường bộ, 952 km đường sông, số lượng cầu đường bộ là 1.160 cầu. Với số lượng đường giao thông lớn, mật độ giao thông đông đúc, nhưng TP HCM chưa khai thác được lợi thế giao thông để phát triển quảng cáo ngoài trời, mặc dù nhu cầu quảng cáo ngoài trời hiện nay là rất lớn.
- Quy hoạch quảng cáo ngoài trời: Doanh nghiệp đau đầu vì 'nơi cần thì không có, nơi có thì không cần'
- 'Ông lớn' Netflix loay hoay thế nào với 'mỏ vàng' quảng cáo?
- Doanh nghiệp quảng cáo 'mù mịt' trong các quy định, hướng đi nào để tìm thấy lối thoát?