Doanh nghiệp quảng cáo 'mù mịt' trong các quy định, hướng đi nào để tìm thấy lối thoát?
Theo TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp quảng cáo đang phải đối mặt với nhiều vướng mắc, chủ yếu là do sự chồng chéo, không đồng nhất trong quy định quản lý. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hoạt động của các doanh nghiệp.
Hiện nay, bên cạnh Luật Quảng cáo 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nhiều địa phương đã chủ động ban hành các quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời. Mặc dù các quy chế này được thiết lập nhằm mục tiêu quản lý tốt hơn và bảo đảm mỹ quan đô thị, nhưng thực tế lại cho thấy sự không thống nhất trong việc áp dụng các quy định giữa các địa phương. Điều này đã dẫn đến nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp quảng cáo trên toàn quốc.
Đơn cử, Luật Quảng cáo 2012 không có quy định nào giới hạn số lượng biển quảng cáo mà một doanh nghiệp có thể đặt. Tuy nhiên, quy chế quản lý quảng cáo của một số tỉnh thành như Hòa Bình, Hà Nội lại có các quy định giới hạn nghiêm ngặt, chỉ cho phép đặt một biển hiệu. Quy định này đã gây ra sự phân mảnh trong việc thực thi và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp.
Hay các quy định trong việc quảng lý quảng cáo bằng băng rôn cũng cho thấy rõ sự bất cập. Theo Luật Quảng cáo 2012, các doanh nghiệp được phép quảng cáo trên băng rôn cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, quy chế của thành phố Hà Nội chỉ cho phép sử dụng băng rôn cho một số sự kiện ngắn ngày như chương trình nghệ thuật, hội chợ, triển lãm, hội nghị, và hội thảo.
Cũng theo phản ánh từ các doanh nghiệp quảng cáo, quy định này đã gây khó khăn cho họ trong việc thông báo quảng cáo sản phẩm, dịch vụ hoặc chương trình khuyến mại bằng băng rôn vì địa phương không tiếp nhận hồ sơ hoặc áp dụng quy định một cách hạn chế.
TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: "Các quy chế địa phương không chỉ mâu thuẫn với Luật Quảng cáo mà còn vi phạm quy định cấm của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Các quy chế này ban hành những quy định trái với văn bản pháp luật cấp trên, làm gia tăng sự phức tạp và khó khăn trong việc thực thi. Việc địa phương đưa ra các quy định hạn chế hơn so với Luật Quảng cáo là không cần thiết và chỉ tạo ra thêm lớp rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện quảng cáo trên toàn quốc".
Ngoài những vấn đề về quy định rõ ràng, còn có sự tồn tại của các quy định ngầm mà các doanh nghiệp quảng cáo phản ánh. Theo Luật Quảng cáo 2012, thủ tục thông báo quảng cáo là thủ tục thông báo, tức các doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý mà không cần sự đồng ý trước. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết họ phải xin phép cơ quan nhà nước mới được thực hiện hoạt động quảng cáo. Các địa phương thường cấp giấy xác nhận cho doanh nghiệp với thời hạn xác định như 3 tháng, 6 tháng hoặc tối đa là 1 năm, khiến thủ tục này không khác gì một thủ tục xin phép, và phải xin phép lại nhiều lần. Tình trạng này có thể dẫn đến hàng nghìn đến hàng chục nghìn lần thực hiện thủ tục mỗi năm trên cả nước.
Thêm vào đó, các quy định của Luật Quảng cáo 2012 cũng chưa rõ ràng về một số vấn đề, dẫn đến việc các địa phương có cách hiểu khác nhau. Ví dụ, Điều 29 của Luật yêu cầu thông báo sản phẩm quảng cáo trên biển quảng cáo, nhưng không phân biệt giữa biển quảng cáo ngoài trời và trong nhà. Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn khi một số địa phương từ chối hồ sơ thông báo cho biển quảng cáo trong nhà, cho rằng họ không quản lý những nội dung quảng cáo trong nhà dân.
Tương tự, sự thiếu rõ ràng trong định nghĩa biển hiệu và biển quảng cáo trong Luật cũng tạo ra sự nhầm lẫn. Luật phân biệt hai loại phương tiện quảng cáo này nhưng không đưa ra định nghĩa cụ thể. Kết quả là, một số địa phương coi biển hiệu là biển quảng cáo và áp dụng các quy định của biển quảng cáo đối với biển hiệu, bao gồm yêu cầu thông báo và giới hạn về thời gian treo.
"Sự không thống nhất trong quản lý hoạt động quảng cáo giữa các địa phương đã tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, cần có sự cải cách và đồng bộ trong các quy định quản lý quảng cáo, đảm bảo rằng các quy định được thực hiện một cách nhất quán và hiệu quả trên toàn quốc. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới có thể hoạt động thuận lợi và đạt được mục tiêu quảng cáo của mình mà không phải đối mặt với các rào cản không cần thiết" - TS. Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm.
- Điều chỉnh quy hoạch quảng cáo ngoài trời: Cần đồng bộ và hiện đại hóa luật quảng cáo
- Quy hoạch quảng cáo ngoài trời: Doanh nghiệp đau đầu vì 'nơi cần thì không có, nơi có thì không cần'
- Gỡ vướng cho quảng cáo ngoài trời
- Sử dụng lò vi sóng Frico nhất định phải nhớ điều này để đem lại hiệu quả tốt nhất
- Người đàn ông qua đời vì nhồi máu cơ tim sau bữa trưa có thói quen ăn thường xuyên 3 món này
- 6 sân bay có thể bị ảnh hưởng bởi bão số 3 Yagi, hành khách cần đặc biệt lưu ý điều này
- Kia Morning có giá bán hấp dẫn, sẵn sàng 'đấu' doanh số với Hyundai Grand i10
- Siêu bão số 3 Yagi sắp đổ bộ: Những khuyến cáo an toàn lúc này ai cũng cần đặc biệt ghi nhớ
- Người bán hàng livestream cần đặc biệt chú ý thông tin này nếu không muốn bị phạt