Thứ sáu, 05/01/2024, 15:00 (GMT+7)

Độc tố aflatoxin gây ung thư, tử vong có trong thực phẩm nào?

Aflatoxin là chất gây ung thư mạnh nhất, tiếp xúc lâu dài với aflatoxin nồng độ cao là nguyên nhân chính gây ung thư gan. 

Theo các chuyên gia, aflatoxin là một chất nguy hiểm với độc tính gấp 68 lần asen và 10 lần so với kali xyanua. Ăn liều lượng lớn aflatoxin có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính, gây tổn thương gan, đe dọa tính mạng. Aflatoxin cũng đã được chứng minh có thể gây độc cho gene, làm hỏng ADN, gây ung thư ở động vật và ung thư gan ở người.

Aflatoxin thường có trong các thực phẩm mốc, là loại độc tố vi nấm được sản sinh tự nhiên bởi một số loài nấm mốc Aspergillus. Aflatoxin có khả năng chịu nhiệt cao và cần phải nấu ở nhiệt độ trên 260 độ C mới loại bỏ được. Chúng có thể tồn tại bên trong những thực phẩm chúng ta dùng hàng ngày:

Các loại hạt bị mốc, vị đắng

aflatoxin
Các loại hạt mốc chứa rất nhiều aflatoxin

Aflatoxin tiềm ẩn rất nhiều trong thực phẩm bị mốc, đặc biệt là những thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao như đậu phộng, kê, đậu... Tinh bột có thể sinh ra Aspergillus aflatoxin - chất gây ung thư gan trong môi trường nhiệt độ cao và ẩm ướt.

Các loại hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí... cũng dễ xuất hiện nấm mốc. Nếu vô tình ăn phải những loại hạt này có vị đắng khác thường, súc miệng thật sạch và nhổ ra ngay. Chúng có thể vô tình chứa chất độc hại như aflatoxin.

Gạo đã đổi màu

Gạo đổi màu hoặc bị mốc dễ sản sinh ra aflatoxin. Nhiều gia đình nghĩ loại gạo đó ăn được bình thường sau khi nấu chín. Nhưng thực tế aflatoxin vẫn có thể hoạt động tốt ở nhiệt độ cao.

Ngô bị mốc

aflatoxin
Nên bỏ cả bắp ngô bị mốc

Ngô bị mốc chứa nhiều aflatoxin. Nếu chúng được sử dụng làm thức ăn cho động vật thì vật nuôi nhà bạn cũng sẽ tích lũy trong cơ thể lượng chất độc và bị bệnh. Con người ăn thịt của những động vật này cũng giống như gián tiếp dùng thực phẩm nấm mốc.

Mộc nhĩ để lâu

Mộc nhĩ chứa rất nhiều protein và cellulose và không có độc tố. Tuy nhiên, nếu bạn bảo quản chúng ở điều kiện không hợp lý, trong thời gian quá dài, trên bề mặt mộc nhĩ có thể sản sinh độc tố sinh học, tạo ra các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn và nấm gây ngộ độc, ung thư.

Các loài dầu, bơ lạc kém chất lượng

aflatoxin
Cẩn trọng với các loại dầu, bơ kém chất lượng

Các loại thực phẩm như dầu, bơ lạc... được sản xuất nhỏ lẻ, không đảm bảo chất lượng có nguy cơ cao nhiễm nấm mốc cũng như các chất độc hại. Cùng với đó, quy trình sản xuất, bảo quản sản phẩm của những cơ sở này cũng khá đơn giản và dễ lẫn các tạp chất.

Làm thế nào để phòng tránh ngộ độc aflatoxin?

- Vệ sinh tay và môi trường khu vực bếp chế biến, tủ lạnh sạch sẽ để hạn chế lây nhiễm nấm mốc.

- Nhiều người thấy gạo, đậu, bánh… bị mốc nhưng tiếc không bỏ đi mà đem phơi khô để ăn tiếp vì nghĩ phơi qua nắng nấm mốc sẽ bị tiêu diệt hoặc tìm cách khắc phục và dùng bình thường. Dù rửa sạch, phơi khô và nấu chín ở nhiệt độ rất cao thì các độc chất trong vi nấm vẫn tồn tại. Do đó, hãy vứt thực phẩm bị mốc đi, tránh gây hại cho sức khỏe.

- Ăn nhiều rau xanh bởi chất diệp lục và các chất khác trong rau xanh có thể làm giảm độc tính của chất gây ung thư aflatoxin và làm giảm sự hấp thụ aflatoxin của cơ thể.  

- Mua các loại hạt, đậu phộng, dầu ăn… với lượng ít và không lưu trữ quá lâu, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại nấm mốc. Nên phơi khô và đựng các loại ngũ cốc trong lọ thủy tinh, hộp kín hoặc buộc nilon kín treo ở những nơi khô ráo, thoáng mát.​

Cùng chuyên mục