Thứ hai, 09/10/2023, 05:01 (GMT+7)

Bánh su kem không tem mác tràn lan trên thị trường

Bánh su kem là mặt hàng được bày bán phổ biến ở các cửa hàng bánh. Tuy nhiên, nhiều điểm bán nhỏ lẻ vẫn bán sản phẩm không có nhãn mác và thông tin ngày sử dụng.

Không tem mác, không hạn sử dụng

Giá thành hợp lý, hương vị thơm ngon và dễ dàng tìm mua là những đặc điểm khiến bánh su kem được ưa chuộng đến vậy, nhất là trẻ nhỏ. Theo chia sẻ của chị Hải Anh - người tiêu dùng thường mua bánh cho gia đình, bánh su kem là loại bánh dễ ăn, giá thành phù hợp, chỉ giao động từ 60.000 - 80.000 đồng/hộp 10 chiếc. Nhiều điểm bán lẻ ở trường học, khu đông dân cư chỉ bán với giá 15.000 - 25.000 đồng cho một hộp bánh 10 chiếc.

Trước đây, loại bánh này chưa phổ biến lắm nên chỉ có thể tìm mua ở các tiệm bánh lớn hoặc siêu thị. Bánh được trưng bày trong tủ kính với nhiệt độ lạnh, có nguồn gốc, thời hạn sử dụng rõ ràng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, bánh su kem được bán rộng rãi, xuất hiện trình trạng bánh được đóng gói đơn giản trong hộp nhựa khá thô sơ với những chiếc tem dán tự in. Một vài điểm bán chỉ ghi kèm hạn sử dụng nhưng không có ngày sản xuất, đôi chỗ còn không ghi cả ngày sản xuất lẫn hạn sử dụng.

Bánh su kem chất lượng thường chỉ được bán ở các hiệu bánh lớn
Bánh su kem chất lượng thường chỉ được bán ở các hiệu bánh lớn

Thông thường, bánh su kem sẽ giữ được tới 4 ngày nếu bảo quản ở nhiệt độ lạnh. Tuy nhiên, theo khảo sát, một số cửa hàng bán bánh để hạn sử dụng lên tới 11 ngày. Trong các cửa hàng bán lẻ nhỏ, bánh thường được bảo quản trong hộp nhựa hoặc bìa cứng ở nhiệt độ phòng bình thường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của bánh, vì bánh su kem cần được bảo quản ở nhiệt độ thấp.

Theo chị Thanh Nga, chủ một cửa hàng bánh ngọt ở tỉnh Vĩnh Phúc, bánh su kem có thời hạn sử dụng khoảng 1-2 ngày sau khi ra khỏi lò. Bánh ăn ngon nhất sau khi làm khoảng 12 tiếng, nếu để quá lâu, bánh sẽ cứng, mất đi độ mềm dẻo và không còn thơm như trước.

Bánh su kem không nhãn mác, không ngày hạn sử dụng được bán tràn lan trên thị trường
Bánh su kem không nhãn mác, không ngày hạn sử dụng được bán tràn lan trên thị trường

Do thời gian bảo quản tương đối ngắn nên người bán cần tính toán số lượng hợp lý để không còn bánh thừa hoặc bánh để lâu qua ngày. Việc bảo quản bánh là đặc biệt quan trọng vì cần được bảo quản ở nhiệt độ thấp để tránh nhân bánh bị chua hoặc bị nhiễm bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Bảo quản bánh su kem sai cách gây nguy hiểm sức khỏe

Vụ việc xảy ra ở TP.HCM khiến một trẻ em tử vong và hàng chục người ngộ độc sau khi ăn bánh kem của hiệu Givral trong dịp liên hoan Trung thu đã dấy lên lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm của bánh giá rẻ.

Các chuyên gia cho rằng, những chiếc bánh su kem bị nhiễm khuẩn có thể là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Nhiều khả năng những chiếc bánh kem này đã bị nhiễm khuẩn trước đó chứ không phải nhiễm khuẩn ở nơi tổ chức tiệc Trung Thu.

Nhiều người bị ngộ độc sau khi ăn bánh su kem trong buổi tiệc Trung thu tại TP. HCM
Nhiều người bị ngộ độc sau khi ăn bánh su kem trong buổi tiệc Trung thu tại TP. HCM

Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - Phó giáo sư, nguyên giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều người mua bánh su kem để dùng trong các buổi họp mặt, tiệc tùng hoặc ăn mỗi ngày. Nguyên liệu làm bánh su kem rất phổ biến, gồm: bột mì, bột ngô, bơ, trứng, sữa, đường, muối, nước, kem tươi... Vỏ bánh mỏng và sẽ được cắt hoặc khoét lỗ để bơm kem vào trong và đem bảo quản.

“Quá trình của bánh đến tay người tiêu dùng bao gồm: chế biến, bảo quản tại cửa hàng, vận chuyển, cất trữ sau khi mua và ăn. Bất kỳ bước nào cũng có thể tạo điều kiện cho vi sinh vật hoặc độc tố xâm nhập, phát triển và ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng” - TS Thịnh cho biết.

Đặc biệt bảo quản sản phẩm với số lượng lớn trong thời gian dài là khâu dễ gây nhiễm khuẩn trong bánh nhất.

"Các vi sinh vật dễ nhiễm khuẩn nhất là E.coli, Coliforms và C.botulinum. Trong đó, độc tố botulinum là nguy hiểm nhất, gây ngộ độc ngay lập tức. Chỉ một lượng nhỏ có thể gây tử vong nhanh chóng, trong khi 2 loại vi khuẩn đầu thường gây tiêu chảy" - TS Thịnh nói thêm.

Cùng chuyên mục