5 sai phạm phổ biến khiến quảng cáo ngoài trời bị 'phong sát'
Quảng cáo ngoài trời đã trở lại mạnh mẽ và phát triển nở rộ sau hai năm đại dịch Covid-19. Song cũng gặp phải trở ngại sau hàng loạt vi phạm dẫn tới gỡ bỏ.
Năm 2022 được coi là giai đoạn phục hồi “bình thường mới” của ngành Quảng cáo ngoài trời sau khi trải qua hai năm đại dịch Covid-19. Thế nhưng tới năm 2023, hình thức marketing truyền thống này ngay lập tức bị “phong sát” hàng loạt bởi tình trạng “ô nhiễm” với hàng loạt các vi phạm. Các doanh nghiệp và đơn vị thực hiện quảng cáo mắc các lỗi vi phạm điển hình như: không thông báo nội dung trong quảng cáo, sai lệch nội dung, kích thước không đúng quy định, vị trí đặt biển không an toàn,...
Dưới đây là những phân tích về sai phạm khi thực hiện quảng cáo ngoài trời, nhằm hướng dẫn doanh nghiệp tránh vi phạm và đảm bảo quảng cáo đúng luật.
Không thông báo nội dung quảng cáo
Trước khi thực hiện chiến lược quảng cáo ngoài trời, doanh nghiệp cần phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi thực hiện quảng cáo trước khi thực hiện 15 ngày. Nếu như được chấp thuận, doanh nghiệp cần triển khai kế hoạch đúng như trong hồ sơ và quy định của Luật quảng cáo.
Biển quảng cáo ngoài trời có nội dung lệch lạc
Doanh nghiệp cần phải đảm bảo biển quảng cáo đã đăng ký có nội dung phù hợp, không tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng tới các vấn đề sức khỏe và đời sống của người dân. Sự phát triển rầm rộ và thiếu kiểm soát của quảng cáo ngoài trời là nguyên nhân dẫn tới các bảng hiệu, băng rôn xuất hiện tràn lan trên đường, gây mất thẩm mỹ và vi phạm quy định.
Kích thước biển quảng cáo quá lớn
Hầu hết các biển quảng cáo ngoài trời bị gỡ xuống đều có kích thước quá lớn so với quy định:
-
Biển ngang: Chiều cao tối đa 2 mét, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà
-
Biển dọc: Chiều ngang tối đa 1 mét, chiều cao tối đa 4 mét nhưng không được vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
Thiết kế biển quảng cáo đúng kích thước theo quy định của pháp luật không chỉ đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn của người dân mà còn tiết kiệm chi phí thi công biển quảng cáo cho doanh nghiệp. Ngoài ra, biển được đặt ở độ cao hợp lý giúp đảm bảo an toàn về kỹ thuật, hạn chế rủi ro xảy ra khi có gió lớn hoặc mưa bão.
Vị trí đặt biển quảng cáo che khuất mặt tiền
Tại Việt Nam, không thiếu các vụ việc thương tâm khi biển quảng cáo ngoài trời lắp đặt sai quy định dẫn tới che chắn tầm nhìn, chặn lối thoát hiểm khiến nạn nhân không thoát khỏi vụ cháy nổ. Kích thước biển quảng cáo che kín tầng nhà cũng khiến lực lượng cứu hỏa rất khó khăn khi tiếp cận đám cháy. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng khiến biển hiệu quảng cáo ngoài trời trở thành “đồng phạm” của các vụ cháy lớn.
Sử dụng ngôn ngữ nước ngoài
Ngoại trừ tên nhãn hiệu, thương hiệu, tên riêng viết bằng nước ngoài hoặc các từ quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt thì nội dung các sản phẩm quảng cáo phải thể hiện bằng tiếng Việt. Nếu sử dụng kết hợp thì khổ chữ của tiếng nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
Với nhiều doanh nghiệp thì đây là quy định khá lắt léo nhưng cần phải thực hiện tốt. Một phần là thúc đẩy sự sáng tạo và đồng thời cũng thể hiện tinh thần của dân tộc máu đỏ da vàng yêu nét đẹp của tiếng Việt.
Để tránh lặp 5 vi phạm kể trên thì trước khi thực hiện quảng cáo ngoài trời, doanh nghiệp cần phải xác định phương thức marketing truyền thống, nghiên cứu kỹ lưỡng Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn có liên quan.