Thứ hai, 17/03/2025
logo
Xu hướng quảng cáo

Tiếp thị hoài niệm trở thành xu hướng mới, thương hiệu cần lưu ý điều này để tránh rơi vào 'bẫy quá khứ'

PV Thứ tư, 12/03/2025, 07:00 (GMT+7)

Trong bối cảnh không ngừng thay đổi, hoài niệm chính là yếu tố giúp người tiêu dùng gần gũi hơn với thương hiệu, trở thành động lực thương mại mạnh mẽ cho các chiến dịch tiếp thị. Tuy nhiên, thương hiệu cần lưu ý điểu này để tránh rơi vào 'bẫy quá khứ'.

Xu hướng tiếp thị biến đổi nhanh chóng, doanh nghiệp cần làm gì để thích nghi?

Tiết lộ xu hướng tiếp thị giúp doanh nghiệp thành công thu hút khách hàng, tăng nhận diện trong năm 2025

Năm 2025, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của xu hướng tiếp thị hoài niệm. Dự báo từ Ipsos cũng cho biết, trong bối cảnh bất ổn và biến động, con người có xu hướng tìm đến những điều mang lại cảm giác an toàn, thân thuộc. Do đó, hoài niệm sẽ là một trong ba động lực tiêu dùng lớn nhất trong năm nay. 

Nắm bắt xu hướng này, các thương hiệu đã mở ra một hướng đi mới cho chiến lược tiếp thị. Có thể kể đến chiến dịch hoài niệm của tập đoàn bán lẻ nội thất IKEA vào đầu năm nay. Chiến dịch đã thành công trong việc kết nối với khách hàng thông qua những ký ức vui nhộn từ thập niên trước như Harlem Shake hay Mannequin Challenge. Những trào lưu này từng là biểu tượng của văn hóa mạng xã hội trong những năm 2010, mang đến cảm giác thân thuộc cho khách hàng thuộc thế hệ Millennials và Gen Z.

McDonald's launches retro Game Boy Color game for Grimace's Birthday
McDonald’s kết hợp cùng Krool Toys để phát triển một trò chơi điện tử độc quyền nhằm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 52 của Grimace.

Một chiến lược tương tự cũng được McDonald’s triển khai khi tái sinh những nhân vật biểu tượng trong trò chơi điện tử pixel cổ điển, mang lại trải nghiệm hoài niệm nhưng cũng đầy sáng tạo cho khách hàng. Ngoài ra, McDonald’s còn tái phát hành những món ăn mang tính biểu tượng như burger McRib hay Happy Meal dành cho người lớn, đánh trúng tâm lý của những khách hàng trưởng thành muốn sống lại ký ức thời thơ ấu.

Lego, thương hiệu đồ chơi Đan Mạch huyền thoại cũng là một trong những thương hiệu khai thác thành công yếu tố hoài niệm. Hãng không chỉ tập trung vào trẻ em mà còn mở rộng thị trường sang nhóm khách hàng trưởng thành với những bộ sưu tập tái hiện các thiết kế cổ điển từ quá khứ. Những bộ xếp hình lấy cảm hứng từ các bộ phim như Star Wars, Harry Potter hay Back to the Future, khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ từ những người đã lớn lên cùng các bộ phim này.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, xu hướng tiếp thị này cũng có thể là con dao hai lưỡi đối với thương hiệu. Một chiến lược hoài niệm thành công phải khéo léo kết hợp yếu tố quá khứ và hiện tại, mang đến sự đổi mới mà không lãng quên gốc rễ. Do đó, nếu không cẩn thận, thương hiệu có thể rơi vào bẫy lạm dụng quá khứ, khiến chiến lược trở nên nhàm chán và mất đi sự hấp dẫn. Các thương hiệu cần tôn trọng giá trị cốt lõi và lịch sử của mình trong quá trình tái hiện quá khứ.

Nike đã tái hiện quá trình phát triển của Nike Air Max xuyên suốt thập niên 90 bằng công nghệ AR tại các cửa hàng của mình ở Hong Kong
Nike đã tái hiện quá trình phát triển của Nike Air Max xuyên suốt thập niên 90 bằng công nghệ AR tại các cửa hàng của mình ở Hong Kong.

Dự báo về tương lai của xu hướng tiếp thị hoài niệm, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ hiện đại trong việc kết nối quá khứ và tương lai. Với công nghệ VR và AR, các chiến dịch có thể tái hiện những không gian, sản phẩm của quá khứ, mang đến trải nghiệm thực tế ảo thú vị cho khách hàng. Trước đó, Nike đã sử dụng công nghệ AR tại các cửa hàng ở Hong Kong để đưa khách hàng trở lại với quá khứ thập niên 90 qua các trải nghiệm mua sắm độc đáo.

Cùng với đó, hoài niệm cá nhân hóa đang trở thành xu hướng quan trọng giúp thương hiệu tạo ra kết nối sâu sắc với khách hàng. Những chiến dịch như Spotify Wrapped không chỉ gợi nhớ lại những khoảnh khắc âm nhạc trong năm mà còn khuyến khích người dùng chia sẻ trải nghiệm của họ, tạo ra sự tương tác mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Các chuyên gia nhấn mạnh: "Chìa khóa thành công của hình thức tiếp thị này vẫn nằm ở sự cân bằng giữa quá khứ và hiện đại. Sự hoài niệm nên được xem là gia vị đặc biệt trong chiến lược tiếp thị, dùng đúng lúc đúng chỗ sẽ hiệu quả. Còn nếu dùng như chiến lược chủ đạo kéo dài, thương hiệu có nguy cơ mất phương hướng trong việc sáng tạo giá trị mới".

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục