Vo gạo kỹ khi nấu cơm có làm mất dinh dưỡng không?
Có nên vo gạo kỹ khi nấu cơm không là băn khoăn của nhiều bà nội trợ. Các chuyên gia sẽ giải đáp thắc mắc này cho bạn.
Có nên vo gạo kỹ không?
PGS, TS. Nguyễn Thị Trâm - Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng cho biết, cơm (gạo) cung cấp chất bột đường, vitamin và các khoáng chất, bổ sung năng lượng cho cơ thể. Gạo cung cấp rất nhiều vitamin nhóm B (B1, B3, B6) và chất xơ, ngoài ra còn có vitamin E, sắt, kẽm, omega 3. Những dưỡng chất này có nhiều nhất ở lớp ngoài của hạt gạo. Lớp vỏ cám ở quanh hạt gạo chứa rất nhiều xenlulo, có tác dụng thúc đẩy quá trình bài tiết cholesterol, làm giảm hàm lượng cholesterol có hại trong máu. Vì vậy, nếu vo gạo kỹ, chà xát quá kỹ, chắt hết các phần nước đục sẽ làm mất đi các dưỡng chất quan trọng của hạt gạo.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ, Hội Đông y Việt Nam, gạo trắng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao như magiê, vitamin, sắt, canxi, protein, carbohydrate... Đây là nguồn cung cấp năng lượng chính trong khẩu phần ăn của người Việt Nam.
Nếu vo gạo kỹ quá, hàm lượng chất xơ, vitamin, khoáng chất chủ yếu ở bên ngoài hạt gạo sẽ bị hao hụt, trôi theo nước rất uổng phí. Cơm gạo trắng càng đẹp mắt thì càng chứng tỏ gạo chế biến càng tinh, lượng xenlulo càng giảm.
Có thể thấy, vo gạo quá kỹ sẽ làm giảm chất dinh dưỡng trong hạt gạo. Khi dinh dưỡng tốt nhất của hạt gạo đã không còn thì cơ thể sẽ chỉ hấp thụ tinh bột. Hấp thụ quá nhiều tinh bột từ gạo trắng có nguy cơ dẫn đến tiểu đường, các bệnh phù thũng, tăng huyết áp...
Cách vo gạo giữ được nhiều chất dinh dưỡng
Các chuyên gia nói rằng, mục đích của việc vo gạo nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn cho gạo, loại bỏ chất bẩn, độc hại có thể bám trên gạo chứ không phải đánh bóng trắng tinh từng hạt gạo dưới vòi nước. Để đảm bảo dinh dưỡng, khi vo gạo, các bà nội trợ cần lưu ý những điều sau:
- Không sử dụng gạo được xay xát quá trắng.
- Nên sử dụng nồi để vo gạo nhằm giảm tải nguy cơ hao hụt dinh dưỡng.
- Vo gạo tối đa 2 lần. Trong khi vo nên nhẹ tay và đổ nước vo gạo ra ngoài. Chỉ nên rửa gạo, khuấy nhẹ tay, gạn nước để loại trừ sâu, sạn. Không nên bóp mạnh gạo vì có thể làm gãy hạt khiến cơm khi nấu chín sẽ không ngon cũng như bị mất chất dinh dưỡng.
- Không nên ngâm gạo quá lâu trong nước vì gạo có thể bị mất các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Nên dùng nước sôi để nấu cơm thì hạt cơm sẽ dẻo, lớp ngoài hạt gạo co lại tạo màng bảo vệ, hạt không bị nứt vỡ, lượng vitamin B1 được giữ lại nhiều hơn 30%. Nấu cơm bằng nước lạnh khiến hạt gạo bị trương lên, chất dinh dưỡng nở ra tan vào nước rồi bay hơi nhiều trong quá trình nấu.