Thứ sáu, 26/07/2024, 08:36 (GMT+7)

Từ vụ 5 người cấp cứu sau khi uống một loại rượu ở Thái Nguyên: Ngộ độc methanol nguy hiểm đến mức nào?

Mới đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận liên tiếp 5 trường hợp nhập viện do ngộ độc methanol sau khi uống một loại rượu ở Thái Nguyên. Vậy ngộ độc methanol nguy hiểm ra sao và cách phòng tránh như thế nào?

Thời gian vừa qua, trên cả nước liên tiếp ghi nhận các trường hợp ngộ độc rượu, thậm chí có cả trường hợp tử vong. Nhiều ca ngộ độc rượu có liên quan đến các đám hiếu, đám hỷ khiến nhiều người nhập viện.

Theo An ninh thủ đô, mới đây nhất, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu 5 trường hợp ngộ độc methanol, trong đó có 1 ca từ Thái Nguyên và 4 ca từ Thường Tín, Hà Nội do cùng uống 1 loại rượu từ Thái Nguyên. 

Trong 5 bệnh nhân ngộ độc rượu đang điều trị tại trung tâm, thì 4 ca ở Thường Tín (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu rất cao. Bên cạnh tổn thương mắt, các bệnh nhân cũng có nguy cơ tổn thương não. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu các bệnh nhân uống có nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%. 

ngo_doc_ruou_methanol_nguy_hiem_khong_1_d54781f5e1
Bộ Y tế yêu cầu dừng lưu thông 1 loại rượu từ Thái Nguyên nghi ngờ ngộ độc (Ảnh minh họa)

Trường hợp nam bệnh nhân (49 tuổi ở Thái Nguyên) còn lại nhập viện trong tình trạng hôn mê, đang phải thở máy, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, lượng cồn công nghiệp methanol trong máu rất cao. Loại rượu bệnh nhân này uống nghi ngờ cùng nguồn với 4 bệnh nhân nêu trên. Bệnh nhân này đã uống rượu liên tiếp trong 3 ngày.

Vậy ngộ độc methanol nguy hiểm như thế nào? Xử trí thế nào khi ngộ độc methanol?

Biểu hiện nhiễm độc của methanol

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai có hai dạng ngộ độc rượu là ngộ độc rượu thông thường và ngộ độc cồn công nghiệp methanol. 

Ngộ độc rượu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến sự đa dạng về triệu chứng và mức độ nghiêm trọng. Ngộ độc rượu thông thường (ethanol) xảy ra khi cơ thể không thể chuyển hóa hết lượng rượu đã uống.

Theo đó, các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm mặt tái, nôn mửa và đi lại loạng choạng. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể bị kích thích thần kinh, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp và thậm chí hôn mê sâu.

Ngộ độc methanol, một dạng ngộ độc rượu nguy hiểm hơn, thường do uống phải rượu giả hoặc rượu kém chất lượng có chứa cồn công nghiệp methanol.

Ban đầu, người bị ngộ độc methanol có thể chỉ cảm thấy như say rượu thông thường. Tuy nhiên, sau 1-2 ngày, khi chất độc được chuyển hóa,  bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều axit formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến bệnh viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt, tụt huyết áp, trong tình trạng nguy kịch.

ngo_doc_ruou_methanol_nguy_hiem_khong_2_3459aae836
Ảnh minh họa

Cách phát hiện ngộ độc methanol

Các biểu hiện ngộ độc thường là muộn nên người dân cần chủ động đi khám khi có nghi ngờ. Người lao động tiếp xúc với methanol cần được khám sức khỏe thường xuyên, trong đó bắt buộc khám đánh giá kỹ về mắt và thần kinh trung ương.

Cách phòng tránh ngộ độc methanol

Do methanol được cơ thể chuyển hóa và thải trừ chậm, gây ngộ độc cũng chậm nên khi tiếp xúc mức độ ít nhưng kéo dài hoặc lặp lại sẽ tích lũy dần và gây ngộ độc nhiều ngày sau (hay gặp với người nghiện rượu, thường xuyên uống rượu không rõ nguồn gốc, người lao động trong môi trường tiếp xúc không an toàn với methanol). 

Hoặc người có thể tiếp xúc với methanol liều cao một lần nhưng không biết và tới 1-2 ngày sau mới biểu hiện nhiễm độc (hay gặp với trường hợp sử dụng sản phẩm giả có chứa methanol).

Methanol xâm nhập vào cơ thể dễ dàng qua da, đường hô hấp, tiêu hóa. Tất cả các loại khẩu trang, mặt nạ phòng độc đơn thuần, găng tay thấm nước đều không có tác dụng ngăn cản hoặc lọc được methanol. 

Người sử dụng có thể đi găng nhựa/cao su kín ngăn methanol hấp thu qua da nhưng vẫn có thể hít phải methanol qua đường hô hấp.

Trong môi trường không khí nhiễm methanol mức độ nguy cơ ảnh hưởng sử khỏe, chỉ có trang phục phòng hộ (quần áo liền mũ, găng và giầy/ủng) kín hoàn toàn kết hợp hệ thống cung cấp dưỡng khí độc lập bao gồm mặt nạ phòng độc kín được kết nối với nguồn dưỡng khí được bơm từ bên ngoài mới có thể đảm bảo an toàn cho người lao động.

ngo_doc_con_3_b01dd12d84
Ảnh minh họa

Xử trí thế nào khi ngộ độc methanol

Cách xử trí ngộ độc methanol khẩn cấp và an toàn nhất chính là gọi ngay đến số điện thoại cấp cứu và đưa người có dấu hiệu ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất. Trong thời gian chờ đợi thì người thân hoặc người xung quanh cần thực hiện một số cách sơ cứu tạm thời như:

- Giữ bệnh nhân tỉnh táo nhất có thể cho đến khi có y tế cấp cứu.

- Không nên để người bất tỉnh một mình để giúp tránh tình trạng nôn mửa có thể gây nghẹt đường thở. Lúc này có thể đặt bệnh nhân nằm đầu cao hoặc ngồi. Trường hợp nếu không thể ngồi thì nên đặt người bệnh nằm nghiêng để tránh ngạt thở khi nôn mửa.

- Hô hấp nhân tạo khi có dấu hiệu ngưng thở cho đến khi có hỗ trợ từ y tế chuyên nghiệp. Quan sát các diễn tiến của bệnh nhân để thông tin ngay khi có bác sĩ cấp cứu.

- Giữ người bệnh nằm yên và hạn chế cử động để tránh va đập vào các vật cứng.

- Giữ ấm cơ thể cho người bệnh để tránh hạ thân nhiệt đột ngột gây tử vong

- Ghi nhớ về loại rượu hoặc lấy mẫu loại rượu bệnh nhân đã uống để cung cấp cho bệnh viện. Điều này sẽ giúp các bác sĩ có thể xác định đúng loại ngộ độc để có thể xử trí ngộ độc cấp cứu kịp thời.

Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, mọi người nên hạn chế uống rượu, không uống rượu khi đói. Ngoài ra, tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt rượu pha chế từ cồn công nghiệp (methanol).

Cùng chuyên mục