Thứ bảy, 19/07/2025
logo
Cần biết

Ngân hàng đồng loạt xoá tài khoản không hoạt động, người dùng cần biết ngay

Thế Hiệp Thứ bảy, 19/07/2025, 10:30 (GMT+7)

Hàng loạt ngân hàng sẽ phân loại, thu phí hoặc đóng tài khoản không hoạt động từ tháng 7, người dùng cần chú ý để tránh bị khóa, mất phí.

Lãi suất ngân hàng hôm nay 18/7: Loạt nhà băng 'tung chiêu' hút khách, cộng thêm đến 0,5%/năm lãi suất

Từ tháng 7/2025, hàng loạt ngân hàng sẽ tiến hành phân loại, thu phí hoặc đóng tài khoản không hoạt động. Người dùng cần lưu ý để tránh bị khóa tài khoản hoặc mất phí quản lý.

Tài khoản “ngủ quên” sẽ bị phân loại, khóa giao dịch

Ngân hàng Woori Bank Việt Nam mới đây đã thông báo chính sách quản lý tài khoản không hoạt động, bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7/2025. Theo đó, tài khoản không phát sinh bất kỳ giao dịch nào (trừ giao dịch nhận lãi tiền gửi không kỳ hạn) trong vòng ít nhất một năm sẽ bị phân loại lại vào mỗi thứ Bảy tuần thứ ba hàng tháng.

001

Cụ thể, nếu tài khoản có số dư dưới mức tối thiểu nhưng vẫn lớn hơn 0, sẽ bị chuyển sang trạng thái “không hoạt động”. Trong khi đó, nếu số dư bằng 0, tài khoản sẽ bị đưa vào trạng thái “tạm ngưng”.

Cả hai loại tài khoản này đều bị khóa các giao dịch ghi nợ trên tất cả các kênh như ngân hàng số (Internet/Mobile Banking), ATM, POS và giao dịch tại quầy. Tuy nhiên, các giao dịch trích nợ chủ động từ ngân hàng vẫn được thực hiện. Riêng với tài khoản không hoạt động, khách hàng sẽ bị thu phí quản lý hàng tháng.

Woori Bank cũng cho biết sẽ thông báo trước đến khách hàng vào ngày làm việc thứ hai hàng tháng nếu tài khoản có nguy cơ bị điều chuyển trạng thái.

LPBank, Sacombank cũng mạnh tay với tài khoản không giao dịch

Không chỉ Woori Bank, một số ngân hàng khác cũng đang triển khai hoặc siết chặt quy định với tài khoản không hoạt động.

Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) thông báo sẽ tiến hành đóng các tài khoản thanh toán cá nhân không còn số dư và không phát sinh giao dịch trong vòng 12 tháng liên tục, theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và quy định nội bộ của LPBank.

003-0012

Khách hàng nếu muốn tiếp tục sử dụng tài khoản cần thực hiện giao dịch tài chính chủ động như nạp tiền hoặc chuyển khoản, hoặc đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng số để kích hoạt lại. Nếu sau ngày 15/7/2025 tài khoản vẫn không hoạt động trở lại, ngân hàng sẽ chính thức đóng tài khoản.

Tương tự, Sacombank cũng đã phát đi thông báo sẽ đóng các tài khoản có số dư bằng 0 và không có giao dịch nào trong thời gian ít nhất 6 tháng. Khách hàng nếu còn nhu cầu sử dụng cần thực hiện giao dịch hoặc nạp tiền vào tài khoản trước ngày 11/7/2025.

Nhiều ngân hàng áp dụng chính sách tương tự

Theo ghi nhận, nhiều ngân hàng khác tại Việt Nam cũng đang áp dụng chính sách tương tự nhằm tối ưu vận hành và giảm chi phí duy trì hệ thống.

Tại Agribank, tài khoản thanh toán ở trạng thái không hoạt động quá 36 tháng sẽ bị đóng, nếu số dư thấp hơn mức tối thiểu (50.000 đồng với cá nhân và 1.000.000 đồng với tổ chức).

BIDV yêu cầu tài khoản duy trì số dư tối thiểu 50.000 đồng. Nếu tài khoản có số dư 0 đồng và không phát sinh giao dịch trong 6 tháng liên tiếp, sẽ bị khóa. Muốn sử dụng lại, khách hàng phải làm thủ tục mở mới.

VPBank quy định đóng tài khoản sau 360 ngày kể từ khi tài khoản ở trạng thái không hoạt động và số dư bằng 0. Hệ thống sẽ gửi cảnh báo 7 ngày trước thời điểm đóng.

Techcombank sẽ đóng tài khoản thanh toán nếu không có giao dịch chủ động trong ít nhất 12 tháng và số dư còn lại thấp hơn 50.000 đồng hoặc 5 USD/EUR sau khi trừ các loại phí.

Vì sao ngân hàng thanh lọc tài khoản?

Theo các chuyên gia tài chính, việc các ngân hàng siết chặt quản lý tài khoản không hoạt động nhằm nhiều mục tiêu: giảm chi phí duy trì hệ thống, ngăn ngừa rủi ro liên quan đến tài khoản “rác” và tối ưu nguồn lực vận hành.

Bên cạnh đó, tài khoản không phát sinh giao dịch vẫn có thể bị tính phí định kỳ như phí thường niên, phí SMS Banking, Internet Banking, quản lý tài khoản,... khiến số dư bị bào mòn dần đến 0. Khi đó, ngân hàng buộc phải khóa hoặc đóng tài khoản để tránh phát sinh các khoản âm.

Chuyên gia cũng cho rằng người dùng cần thường xuyên kiểm tra các tài khoản ngân hàng đang sở hữu, đặc biệt là tài khoản phụ hoặc mở lâu không dùng, để tránh mất phí không cần thiết hoặc bị đóng mà không hay biết.

Người dùng nên làm gì?

Để tránh tình trạng bị khóa, thu phí hay đóng tài khoản ngoài ý muốn, người dùng nên:

  • Thực hiện giao dịch tối thiểu một lần mỗi 6–12 tháng, dù chỉ là chuyển khoản 10.000 đồng.

  • Nạp tiền để đảm bảo số dư không bị tụt về 0 đồng sau khi trừ các khoản phí.

  • Kích hoạt lại tài khoản bằng cách đăng nhập Internet Banking hoặc Mobile Banking.

  • Hủy các tài khoản không còn sử dụng nếu không có nhu cầu giữ lại.

Trong bối cảnh ngân hàng số bùng nổ và mỗi người có thể sở hữu nhiều tài khoản cùng lúc, việc chủ động quản lý, sử dụng hiệu quả và duy trì hoạt động tài khoản là điều cần thiết để tránh rắc rối về sau.

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ

Từ khóa:  

Cùng chuyên mục