Sứa biển vào mùa, khi ăn cần lưu ý gì để tránh ngộ độc?
Sứa biển là món ăn ngon và tốt cho sức khỏe. Nhưng nếu chế biến và ăn không đúng cách có thể gây nguy hại.
Lợi ích và nguy cơ khi ăn sứa biển
Sứa là động vật không có xương sống, sống ở biển hay những nơi nước mặn. Nộm sứa, gỏi sứa… đặc biệt là sứa đỏ đang trở thành món ăn “hot” trong thời gian gần đây. Ăn sứa biển mang lại một số lợi ích cho sức khỏe như:
- Hàm lượng collagen dồi dào giúp làm chậm quá trình lão hóa, cải thiện độ đàn hồi da và giảm đau xương khớp
- Chứa nhiều omega-3 và omega-6 giảm nguy cơ mắc bệnh tim
- Lượng choline trong 58g sứa khô chiếm 10% giá trị dinh dưỡng hàng ngày, giúp cơ thể tổng hợp DNA, sản xuất, vận chuyển và chuyển hóa chất béo, cải thiện chức năng não và giảm triệu chứng lo âu.
- Lượng selen dồi dào giúp chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào cơ thể khỏi tình trạng stress oxy hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, một số dạng ung thư và bệnh Alzheimer.
- Chứa vị mặn đặc trưng và mang tính bình nên có tác dụng thanh nhiệt cơ thể…
Có nhiều loại sứa khác nhau, nhưng không phải loại nào cũng ăn được. Và nếu không chế biến đúng cách thì các loại vi khuẩn hoặc mầm bệnh nguy hiểm trong món ăn cũng sẽ gây ngộ độc cho người sử dụng. Độc tố của sứa biển thường tập trung ở các xúc tu, chúng sử dụng các tế bào châm được gọi là nematocyst. Các tế bào này đều rất nhỏ và có độc.
Khi bị sứa cắn, độc tố này sẽ ngấm qua da người và xâm nhập vào cơ thể, ở thể nhẹ, nạn nhân có phản ứng ngoài da tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều, toàn thân khó chịu. Ở thể nặng có thể gây đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt... Ở thể tối cấp, tai biến xảy ra tức thì sau khi độc tố của sứa biển xâm nhập vào máu nạn nhân, nạn nhân nôn nao, nhức đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở nhanh, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt; nạn nhân đi vào trạng thái lơ mơ, nhiều khi co giật, có thể hôn mê cần đưa ngay vào bệnh viện để chống sốc phản vệ…
Ngoài ra, trong quá trình chế biến sứa, nhiều người sẽ dùng tới phèn. Đây là một hợp chất hóa học gọi là nhôm kali sunfat đôi khi được sử dụng làm chất phụ gia để bảo quản thực phẩm. Mặc dù Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chứng nhận đây là chất an toàn nhưng lượng nhôm lưu lại trong sứa sau khi dùng vẫn là mối lo ngại.
Lưu ý khi ăn sứa biển
Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa hè do sứa biển, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không sử dụng sứa biển tươi (chưa qua chế biến) làm thức ăn, làm gỏi ăn sống, đặc biệt không sử dụng sứa (kể cả sứa đã qua chế biến) làm thức ăn cho trẻ em, chỉ sử dụng sứa biển đã qua chế biến đúng cách.
Quá trình chế biến sứa tươi phải được ngâm qua 3 lần trong nước muối và phèn, khi nào thịt sứa chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt thì mới đem sử dụng để chế biến làm thức ăn.
Không nên ăn quá nhiều sứa để tránh nguy cơ bị dư thừa lượng nhôm trong cơ thể, bởi khi sơ chế sứa, nhiều người có thể sử dụng phèn để ngâm. Đây là một hợp chất hóa học thường được gọi là nhôm kali sunfat, đôi khi được sử dụng làm chất phụ gia để bảo quản thực phẩm.
Mặc dù được phép dùng trong thực phẩm, tuy nhiên nếu ăn nhiều sẽ khiến hàm lượng nhôm quá cao có thể dẫn đến bệnh Alzheimer và bệnh viêm ruột.
Bên cạnh đó, những nhóm người sau đây cần thận trọng khi ăn sứa biển, kể cả sứa đã được chế biến hoặc nấu chín:
- Người tiền sử dị ứng hải sản
- Người mới ốm dậy
- Người đang bị suy nhược cơ thể
- Người tiền sử ngộ độc thực phẩm
- Trẻ em dưới 8 tuổi có hệ miễn dịch còn kém, nguy cơ bị dị ứng hoặc ngộ độc thực phẩm cũng cao hơn.