Để xuất luật mới, hộ kinh doanh phải có tài khoản riêng để nộp thuế
Hà Nội đề xuất hộ kinh doanh phải có tài khoản riêng để nộp thuế, đồng thời kiến nghị sửa luật theo hướng bỏ thuế khoán, tiến tới kê khai.
UBND TP Hà Nội vừa gửi nhiều kiến nghị liên quan đến việc đổi mới quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh, trong đó có đề xuất buộc hộ kinh doanh phải đăng ký tài khoản ngân hàng phục vụ riêng cho hoạt động kinh doanh để kiểm soát dòng tiền hiệu quả hơn.
Bỏ khái niệm “hộ kinh doanh”, thay bằng “cá nhân kinh doanh”: Còn nhiều vướng mắc
Trong bản tổng hợp ý kiến góp ý cho Dự án Luật Quản lý thuế (thay thế), Bộ Tài chính cho biết UBND TP Hà Nội đã nêu nhiều quan điểm quan trọng liên quan đến Chính sách 4: Đổi mới phương pháp quản lý đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, bao gồm cả hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Một trong những vấn đề được Hà Nội nhấn mạnh là việc dự thảo luật đang có định hướng bỏ khái niệm “hộ kinh doanh” để thay thế bằng “cá nhân kinh doanh”. Tuy nhiên, các tài liệu lấy ý kiến vẫn còn sử dụng cụm từ “hộ kinh doanh” khá phổ biến, gây lẫn lộn về mặt khái niệm.
UBND TP Hà Nội cho rằng, pháp luật hiện hành, cụ thể là Nghị định 01/2021/NĐ-CP, vẫn sử dụng và quy định cụ thể về “hộ kinh doanh” với đầy đủ các yếu tố nhận diện như tên gọi, cách đặt tên. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính cần rà soát để thống nhất lại hệ thống khái niệm nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong pháp luật và thuận tiện trong triển khai thực tế.
Đề xuất hộ kinh doanh bắt buộc có tài khoản riêng để nộp thuế
Một đề xuất đáng chú ý khác của Hà Nội là yêu cầu hộ kinh doanh phải đăng ký tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản giao dịch điện tử chuyên biệt phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Theo UBND TP Hà Nội, quy định này sẽ giúp cơ quan thuế dễ dàng kiểm soát dòng tiền, chống thất thu, hạn chế tình trạng trốn thuế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi giao dịch phát sinh trong kinh doanh.
Song song đó, thành phố cũng đề nghị quy định liên thông giữa đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh, tương tự như quy trình dành cho doanh nghiệp hiện nay. Điều này không chỉ giúp giảm bớt thủ tục hành chính mà còn tạo sự thuận tiện cho người nộp thuế.
Kiến nghị điều chỉnh quy định áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền
Về vấn đề áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), Hà Nội cho rằng, việc đưa ra quy định bắt buộc các hộ kinh doanh có doanh thu chịu thuế phải sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền cần được xem xét kỹ. Thành phố đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này thay vì quy định cứng trong luật.
Theo UBND TP Hà Nội, thực tế hoạt động kinh doanh rất đa dạng, nhiều hộ kinh doanh quy mô nhỏ chưa có điều kiện tiếp cận hoặc vận hành hệ thống máy tính tiền hiện đại. Do đó, nếu áp dụng cứng nhắc, quy định có thể gây khó khăn cho người dân, không phù hợp với bối cảnh kinh tế còn đang chuyển đổi.
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất lộ trình ba giai đoạn
Cũng liên quan đến Chính sách 4, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất cần có lộ trình cụ thể để chuyển đổi từ hình thức thuế khoán sang thuế kê khai với hộ kinh doanh.

Cụ thể, giai đoạn đầu (năm thứ 1–2) tập trung vào thí điểm và chuẩn bị nền tảng: hoàn thiện hành lang pháp lý, cung cấp miễn phí phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, cùng các khóa tập huấn kỹ năng sổ sách, kê khai thuế.
Giai đoạn thứ hai (năm thứ 2–4) mở rộng áp dụng thuế kê khai với các hộ có doanh thu nhất định. Để giảm áp lực, có thể hỗ trợ tài chính thông qua ưu đãi thuế, hỗ trợ thiết bị đầu vào và chi phí thuê kế toán, đồng thời tiếp tục đào tạo kỹ năng số và tài chính.
Giai đoạn ba (năm thứ 4–5) sẽ chuẩn hóa hoàn toàn chế độ kế toán, tiến tới áp dụng đồng bộ trên cả nước.
Bộ Tài chính tiếp thu và ghi nhận để xây dựng luật phù hợp thực tiễn
Bộ Tài chính cho biết đã ghi nhận các ý kiến đóng góp từ Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và nhiều đơn vị khác, làm cơ sở nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý thuế (thay thế).
Việc đổi mới phương pháp quản lý thuế với hộ kinh doanh là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi số và hiện đại hóa hệ thống thuế quốc gia. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và không gây xáo trộn trong đời sống kinh tế, xã hội, những quy định mới cần được triển khai một cách thận trọng, có lộ trình và kèm theo các hỗ trợ cụ thể cho người nộp thuế.