Gia đình trẻ thu nhập tăng nhưng tiền vẫn không đủ? Chuyên gia tài chính tiết lộ lý do
Thu nhập đã tăng, cuộc sống tưởng như dư dả hơn, nhưng nhiều gia đình trẻ vẫn quay cuồng với hóa đơn, nợ thẻ tín dụng và không có nổi khoản tiết kiệm. Vấn đề không nằm ở số tiền kiếm được, mà ở cách chi tiêu và quản lý tài chính.
Tiêu ít không bằng tiêu đúng: Thói quen giúp phụ nữ tự chủ tài chính bền vững
Không chờ cưới mới mua nhà: Cách phụ nữ độc thân tự lo được tài chính của mình
Mẹ bỉm thu nhập không đều: Cách quản lý tài chính không lo thiếu trước hụt sau
“Thu nhập hai vợ chồng hơn 45 triệu đồng/tháng mà tháng nào cũng thiếu tiền” – đó là chia sẻ của chị Mai, nhân viên văn phòng tại TP.HCM. Chồng chị là kỹ sư, con nhỏ đang học mẫu giáo. Dù thu nhập được xem là khá, nhưng cuối mỗi tháng vẫn phải dùng thẻ tín dụng xoay vòng. Một lần con ốm nhập viện, họ phải rút số tiết kiệm mua nhà để chi trả.

Câu chuyện của chị Mai không hiếm. Một khảo sát cuối năm 2023 của Home Credit Vietnam và Decision Lab cho thấy, phần lớn người Việt không tích lũy được quỹ dự phòng tương đương 3–6 tháng chi tiêu, trong khi nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng và vay tiêu dùng lại tăng đột biến.
Dù thu nhập tăng lên, nhưng chi phí sống tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội cũng leo thang nhanh không kém:
- Giá điện, nước, xăng tăng liên tục
- Học phí và chi phí học thêm của trẻ nhỏ cao gấp nhiều lần so với 5 năm trước
- Mạng xã hội tạo áp lực phải “sống đẹp”, mua sắm để không bị tụt hậu
Trong bối cảnh đó, rất nhiều gia đình trẻ rơi vào cảm giác “kiếm được tiền nhưng không giữ được tiền”. Vấn đề không chỉ nằm ở thu nhập mà chủ yếu là thiếu cấu trúc tiêu tiền thông minh.
Đây là những tình huống không hiếm gặp thậm chí rất phổ biến ở các cặp đôi thành thị trong độ tuổi 28–40. Vấn đề nằm không chỉ ở thu nhập, mà chủ yếu ở cách tiêu tiền thiếu cấu trúc.
Để giải quyết tình trạng này, chuyên gia Hà Võ Bích Vân - Hub Đồng Hành (thuộc FIDT - công ty CP Tư vấn đầu tư và quản lí tài sản thường giới thiệu một công cụ quản lý chi tiêu đơn giản là chia ngân sách hàng tháng thành 3 lớp tiêu tiền: TIỆN - BỀN - THẢNH THƠI.
Công thức quản lý tài chính cho gia đình trẻ: TIỆN - BỀN - THẢNH THƠI
Lớp TIỆN: Chi để sống, không phải để so
Lớp này bao gồm tất cả các chi tiêu thiết yếu hằng ngày những thứ không thể trì hoãn:
- Ăn uống, điện nước, đi lại
- Học phí, y tế, sữa bỉm cho con
- Các dịch vụ cơ bản để duy trì cuộc sống
Theo bà Bích Vân, gia đình trẻ hãy lập ngân sách cố định cho lớp này, chiếm khoảng 50–60% tổng thu nhập gia đình. Đồng thời, ưu tiên tính hiệu quả và tiết kiệm thời gian, không nhất thiết rẻ nhất.
Ví dụ:
- Nếu siêu thị gần nhà có giá cao hơn một chút nhưng giúp bạn tiết kiệm 1 giờ mỗi tuần, thì cũng là cân nhắc đáng giá.
- Một người giúp việc theo giờ 3 buổi/tuần có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng nội bộ, tránh xung đột gia đình vì chuyện việc nhà.
Đây là khoản “chi để sống khỏe và sống đúng với hoàn cảnh”, không phải để khoe hay chạy theo hình ảnh bên ngoài.
Lớp BỀN: Chi để giảm rủi ro, tăng giá trị dài hạn

Đây là nhóm chi tiêu thường bị bỏ quên vì nó không tạo cảm giác "sướng tay" như mua sắm hay ăn uống. Bao gồm:
- Mua đồ gia dụng chất lượng, BỀN, tiết kiệm điện
- Mua bảo hiểm sức khỏe, nhân thọ cho cả nhà. Đặc biệt ưu tiên cho trụ cột tài chính
- Gửi tiết kiệm, mua chứng chỉ quỹ, lập quỹ học vấn cho con cái.
- Học thêm kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm cho cha mẹ.
Theo bà Bích Vân, gia đình trẻ nên dành 15 – 30% thu nhập cho nhóm này. Mỗi quyết định nên được đánh giá dựa trên câu hỏi: “Chi tiêu này có giúp giảm rủi ro hoặc nâng chất lượng sống trong 3–5 năm tới không?”
Ví dụ:
- Một máy giặt sấy tốt giúp tiết kiệm thời gian phơi đồ và chống ẩm mốc nhất là nhà có trẻ nhỏ.
- Một gói bảo hiểm sức khỏe đủ rộng có thể bảo vệ gia đình khỏi biến cố bất ngờ, tránh rủi ro bất ngờ sau bao năm tích lũy.
Đây là khoản “chi để ổn định dài hạn” không có cảm tính, không hấp tấp.
Lớp THẢNH THƠI - Chi để sống có cảm xúc, giữ kết nối
Chuyên gia tài chính Bích Vân cho rằng gia đình không chỉ là nơi để “sống sót tài chính” mà còn là nơi nuôi dưỡng niềm vui và sự gắn kết.
Nhóm này gồm:
- Du lịch gia đình
- Một bữa ăn nhà hàng vào dịp cuối tuần
- Món quà nhỏ tặng nhau
- Cà phê thư giãn sau khi đưa con đi học
Các gia đình trẻ hãy giữ lại 5-10% thu nhập cho lớp này và nếu chưa dung đến chúng ta có thể lập quỹ riêng để tích lũy chỉ phục vụ cho mục đích này. Bởi gia đình không có “lớp cảm xúc” sẽ nhanh chóng rơi vào mệt mỏi, xa cách và áp lực ngầm.
Nếu ngân sách hạn chế, bạn vẫn có thể:
- Tổ chức một buổi tiệc ăn uống tại nhà mỗi tháng
- Hẹn hò cà phê vào sáng chủ nhật 100.000 đồng nhưng giá trị như một kỳ nghỉ nhỏ
Đây là khoản “chi để sống nhẹ, chứ không chỉ sống đủ”
Tiêu tiền đúng cách là kỹ năng sống quan trọng bậc nhất

Cấu trúc TIỆN - BỀN - THẢNH THƠI giúp bạn:
- Biết rõ tiền đi đâu, vì mục đích gì
- Dễ dàng phân công trách nhiệm tài chính giữa vợ và chồng
- Dự đoán được các tình huống phát sinh mà không “giật mình cuối tháng”
Minh họa chi tiêu với tỷ trọng đề xuất với mức thu nhập từ 30 - 50tr/tháng
TIỆN | 50 - 60% | Ăn uống, sinh hoạt, học phí con |
BỀN | 15 – 30% | Bảo hiểm, tài sản BỀN, quỹ đầu tư |
THẢNH THƠI | 5 – 10% | Du lịch, trải nghiệm, thời gian riêng |
Nếu gia đình bạn có thu nhập tốt hơn nên cân nhắc dành tăng ngân sách cho tỷ trọng của cấu trúc ‘BỀN’ . Đồng thơi để dễ quản lý chúng ta có thể chia tách quản lý bằng tài khoản ngân hàng khác nhau.
Trong trường hợp khẩn cấp cần phải sử dụng, quỹ dự phòng của gia đình cũng đóng vai trò không thể thiếu. Dựa vào nhân khẩu học tài chính của mỗi gia đình, bà Vân thường khuyến nghị khách hàng nên chuẩn bị từ 3 – 12 tháng chi tiêu để đưa vào quỹ này.
Tiêu tiền không chỉ là hành vi – đó là một lựa chọn sống
Hạnh phúc không đến từ việc tiêu thật nhiều mà đến từ cách bạn tiêu đúng – tiêu chủ động – tiêu theo ưu tiên. Gia đình không nên trở thành nơi “vật lộn vì tiền”, mà cần là nơi mỗi người cảm thấy an toàn, vui sống và đủ năng lượng để tiếp tục cố gắng.
Có những biến cố trong đời không thể tránh nhưng hoàn toàn có thể giảm nhẹ hậu quả nếu chúng ta chuẩn bị từ những điều nhỏ nhất: một khoản dự phòng, một chiếc nệm tốt cho giấc ngủ, một bữa ăn ấm cúng cho người bạn đời vào cuối tuần.
Đừng đợi con nhập viện mới chạy vạy.
Đừng đợi đến cuối tháng mới căng thẳng vì 500 nghìn thiếu hụt.
Hãy bắt đầu cấu trúc lại tài chính gia đình ngay hôm nay – từ những bước nhỏ nhất.