Thứ năm, 16/01/2025, 11:32 (GMT+7)

Vi phạm đăng tin rao vặt đến quảng cáo trên nền tảng số: Đằng sau những nỗ lực, hoạt động quản lý vẫn còn gian nan

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp thu và sẽ nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất trong quá trình xây dựng Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo được Quốc hội thông qua.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của các cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến liên quan đến một số nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.

Tăng mức xử phạt đối với quảng cáo rao vặt

Liên quan đến lĩnh vực quảng cáo, cử tri tỉnh Hưng Yên cho biết, tình trạng treo, đặt dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng còn khá phổ biến. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực bóc gỡ, xóa quảng cáo, rao vặt nhưng các đối tượng vẫn cố tình tái phạm.

Các hoạt động thường diễn ra về đêm nên rất khó bắt quả tang, xử lý vi phạm. Hơn nữa, việc thu hồi thuê bao di động gắn trên biển quảng cáo, rao vặt gặp khó khăn do nhiều đối tượng chấp nhận mất số điện thoại, tiếp tục sử dụng sim khác để thực hiện việc quảng cáo, rao vặt.

Đề xuất tăng mức xử phạt đối với vi phạm hành chính lĩnh lực quảng cáo rao vặt.
Đề xuất tăng mức xử phạt đối với vi phạm hành chính lĩnh lực quảng cáo rao vặt.

Theo quy định tại Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012 thì việc xử phạt theo quy định tại Điều 34, Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh lực văn hoá và quảng cáo ở mức 1.000.000- 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe.

Do vậy, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu, xem xét tăng mức xử phạt đối với cá nhân, tổ chức cố tình tái diễn vi phạm và có các biện pháp thu hồi số sim quảng cáo, rao vặt.

Về kiến của cử tri, Bộ VHT&DL khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp thu và sẽ nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất trong quá trình xây dựng Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo được Quốc hội thông qua.

Về kiến nghị các biện pháp thu hồi số sim quảng cáo, rao vặt, nội dung này không thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Siết chặt hoạt động quảng cáo trên nền tảng số

Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, hiện nay, trên mạng xã hội có không ít nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật về chất lượng và công dụng của sản phẩm, nhiều trường hợp người dân đã bỏ tiền ra mua sản phẩm do nghệ sĩ mình yêu thích giới thiệu nhưng sau đó sử dụng không hiệu quả như đã quảng cáo.

Theo đó, cử tri đề nghị cơ quan chức năng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động quảng cáo trên nền tảng số và các phương tiện truyền thông; kiểm tra, xử phạt các trường hợp nghệ sĩ, người có ảnh hưởng với công chúng quảng cáo sai sự thật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

cơ quan chức năng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động quảng cáo trên nền tảng số và các phương tiện truyền thông
Cơ quan chức năng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động quảng cáo trên nền tảng số và các phương tiện truyền thông.

Đối với kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ VHT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã đề xuất bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và hoạt động chuyển tải sản phẩm quảng cáo của người có ảnh hưởng.

Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo. Trường hợp đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội thì phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm; thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo.

"Các quy định trên nhằm tăng cường ý thức cho người chuyển tải sản phẩm nói chung, trong đó đặc biệt là người có tầm ảnh hưởng trong việc quảng cáo khi thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đến công chúng một cách trách nhiệm, trung thực và hiệu quả" - Bộ trưởng Bộ VHT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Ngày 04/7/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ có Tờ trình số 350/TTr-CP trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.

Cùng chuyên mục