Thứ năm, 16/01/2025, 09:26 (GMT+7)

Thị trường bán lẻ và xu hướng tiêu dùng nào sẽ 'lên ngôi' vào năm 2025?

Ngành tiêu dùng Việt Nam đang bùng nổ với các xu hướng như nhu cầu thực phẩm sạch, mua sắm qua kênh hiện đại và đổi mới sản phẩm. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ từ chính phủ đang tạo đà phát triển mạnh mẽ, vừa thay đổi hành vi tiêu dùng vừa mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp khai thác tiềm năng thị trường.

Trong năm 2024, doanh số bán lẻ hàng hóa đã ghi nhận mức tăng 8,3% so với cùng kỳ (svck), tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng trung bình 10,9% svck trước đại dịch. Đây là một tín hiệu cho thấy tác động lâu dài của đại dịch COVID-19 đối với thị trường tiêu dùng.

Một số chỉ số tích cực như niềm tin tiêu dùng được cải thiện và khả năng tiết kiệm tăng cao đang làm nền tảng cho nhu cầu tiêu dùng phục hồi rõ ràng hơn trong năm 2025. VNDirect dự báo chi tiêu tiêu dùng sẽ phục hồi dần trong 6 tháng đầu năm 2025 do lo ngại đối với việc tính gọn bộ máy có thể tạm thời ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi dự kiến tăng tốc trong nửa cuối năm 2025 khi thị trường lao động khở sắc hơn.

Dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện tại được dự báo tăng 10-10,5% trong năm 2025 (so với +9,0% trong năm 2024). Các yếu tố chính bao gồm: Sự tăng trưởng việc làm đã tăng cường niềm tin tiêu dùng và thu nhập hộ gia đình. Nhờ tăng trưởng kinh tế và xu hướng lạm phát hạ nhiệt. Việc gia tăng đầu tư công sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Ngành tiêu dùng tại Việt Nam đang chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể trong bối cảnh thu nhập người dân tăng lên, nhận thức về sức khỏe ngày càng cao và xu hướng hiện đại hóa thói quen tiêu dùng. Những biến động về luật pháp, thị trường và các yếu tố vĩ mô không chỉ đặt ra các thách thức mà còn mang đến cơ hội để các doanh nghiệp định hình lại chiến lược phát triển. Dưới đây là các xu hướng nổi bật trong một số ngành trọng điểm của lĩnh vực tiêu dùng.

Thực phẩm sạch và mô hình 3F

Theo số liệu của VNDirect, sự gia tăng thu nhập của người tiêu dùng cùng nhận thức ngày càng cao về vấn đề dinh dưỡng đã thúc đẩy nhu cầu về thực phẩm sạch và truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, mô hình 3F (Farm, Feed, Food) nổi lên như một giải pháp lý tưởng, đặc biệt trong ngành chăn nuôi.

Từ quý 4 năm 2024, ngành chăn nuôi đang trải qua sự thay đổi lớn về cơ cấu khi Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 1 năm 2025. Sự thay đổi này dự kiến tạo ra lợi thế lớn cho các công ty chăn nuôi quy mô lớn. Nguyên nhân là nhiều cơ sở nhỏ không đáp ứng được yêu cầu về đất xây dựng trang trại trong các khu vực quy hoạch, buộc họ phải dừng hoạt động. Thêm vào đó, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho các trang trại nhỏ, khiến họ khó cạnh tranh với các công ty lớn hơn.

Giá lợn đã tăng mạnh, đạt 64.700 đồng/kg vào tháng 12/2024 và dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2025 do nguồn cung giảm. Ngược lại, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng ổn định sau nhiều đợt giảm trong các năm 2023 và 2024. Trong kịch bản cơ sở, giá thức ăn chăn nuôi được kỳ vọng duy trì ổn định trong năm 2025 khi giá nguyên liệu đầu vào giảm nhẹ.

Screenshot 2025-01-16 06.01.59
Ngành tiêu dùng và bán lẻ có sự thay đổi lớn (Số liệu VNDirect).

Bán lẻ tạp hóa: Sự dịch chuyển sang kênh hiện đại

Bán lẻ tạp hóa hiện đại tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ sự chuyển dịch thói quen tiêu dùng từ các kênh truyền thống sang kênh hiện đại. Theo McKinsey&Company, các kênh thương mại hiện đại tại Việt Nam có tiềm năng lớn với tỷ lệ thâm nhập còn thấp, trong khi tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Euromonitor định giá thị trường bán lẻ tạp hóa Việt Nam năm 2023 đạt 51,4 tỷ USD và dự báo tăng trưởng với tốc độ CAGR 3,4% trong giai đoạn 2023-2028. Đặc biệt, doanh thu từ thương mại hiện đại tăng 8,9% mỗi năm. Những người tiêu dùng tại khu vực thành thị, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập trung bình đến cao, đang dần ưu tiên các siêu thị mini thay vì kênh truyền thống nhờ sự tiện lợi và đa dạng sản phẩm. Các chuỗi bán lẻ như WinMart và Bách Hóa Xanh (BHX) đang đẩy mạnh mở rộng hệ thống phân phối.

Ngành sữa: Đổi mới sản phẩm và đa dạng hóa

Ngành sữa tại Việt Nam đang gặp thách thức lớn với nhu cầu tiêu thụ phục hồi chậm hơn dự kiến và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Để duy trì tăng trưởng, các nhà sản xuất như TH, VitaDairy, Nutifood và Vinamilk đã tập trung vào chiến lược đổi mới sản phẩm và tiếp thị sáng tạo.

Chẳng hạn, TH đã giới thiệu dòng sản phẩm TH true OAT dành cho người ăn chay và trẻ em, trong khi VitaDairy ra mắt sữa non không đường. Vinamilk, với chiến lược tái định vị thương hiệu, đã phát triển 125 sản phẩm mới trong năm 2024, giúp tăng thị phần và cải thiện lợi nhuận.

Theo Euromonitor, thị trường sữa Việt Nam dự kiến tăng trưởng 3,2%/năm từ 2023 đến 2029, nhờ nhận thức cao hơn về dinh dưỡng và sự quan tâm đến các sản phẩm cao cấp.

Bán lẻ ICT: Marketing sáng tạo hậu tái cấu trúc

Sau giai đoạn tái cấu trúc, các chuỗi bán lẻ ICT như Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới nhờ chiến lược marketing sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm.

Các chương trình khuyến mãi, như chính sách thanh toán trả chậm lãi suất 0% hoặc dịch vụ gửi/rút tiền tại cửa hàng, đã giúp Thế Giới Di Động thu hút khách hàng và cải thiện doanh thu. Đồng thời, việc đóng cửa các cửa hàng kém hiệu quả cũng giảm áp lực lên lợi nhuận, tạo nền tảng phát triển cho năm 2025.

Bán lẻ dược phẩm: Tận dụng chính sách hỗ trợ

Thị trường dược phẩm Việt Nam tiếp tục mở rộng nhờ mức sống được cải thiện, già hóa dân số và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ. IQVIA dự báo doanh thu thị trường dược phẩm đạt 316.747 tỷ đồng vào năm 2028, với kênh bán lẻ tăng trưởng trung bình 8,3%/năm.

Các hệ thống nhà thuốc hiện đại, với danh mục sản phẩm đa dạng và dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, đang ngày càng chiếm lĩnh thị phần. Việc hợp pháp hóa bán thuốc trực tuyến từ ngày 1/1/2025 cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh số ngành dược phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Ngành tiêu dùng tại Việt Nam đang trải qua những thay đổi sâu sắc với sự gia tăng nhu cầu về dinh dưỡng, sự chuyển dịch thói quen tiêu dùng và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Những xu hướng này không chỉ mở ra cơ hội phát triển bền vững cho các doanh nghiệp mà còn tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Cùng chuyên mục