Thứ bảy, 11/01/2025, 16:10 (GMT+7)

TP HCM sẽ kiểm tra đột xuất 6 siêu thị lớn để đảm bảo hàng hoá đạt chất lượng cho người tiêu dùng

Sở An toàn thực phẩm TP HCM sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất giá đỗ "âm thầm" trong thời gian tới để có kết quả khách quan hơn.

Đó là khẳng định của bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM tại Hội nghị Tổng kết công tác quản lý an toàn thực phẩm năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 diễn ra mới đây.

Theo bà Lan, việc giá đỗ bị nhiễm hoá chất từ Đắk Lắk được vận chuyển tới TP HCM tiêu thụ là rất khó, tuy nhiên không phải là không thể xảy ra. Do đó, ngay sau khi xuất hiện thông tin có giá đỗ nhiễm hoá chất, Sở đã tiến hành kiểm tra các đơn vị sản xuất, bán giá đỗ.

Đoàn đã kiểm tra đột xuất một tổng kho hàng ở quận 7 của Bách Hóa Xanh và ở các chợ để kiểm tra. Tất cả kết quả đều đạt quy định, mẫu giá đỗ kiểm nghiệm cũng không thấy chất 6-Benzylaminopurine, các chỉ tiêu khác đạt yêu cầu.

19-bs-phong-lan
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM.

Tuy nhiên, việc kiểm tra này theo bà Lan là mang tính chủ quan, vì vụ việc mới xảy ra nên các chủ doanh nghiệp, chủ sạp hàng đã có sự chuẩn bị khi đoàn kiểm tra đến. Do đó, nếu cơ sở nào có vi phạm tương tự cũng tạm ngưng. Sở sẽ quay lại kiểm tra giá đỗ "âm thầm" trong thời gian tới để có kết quả khách quan hơn.

Ngoài kiểm tra Bách Hóa Xanh, Sở An toàn thực phẩm sẽ kiểm tra đột xuất 6 hệ thống siêu thị lớn của TP HCM, đặc biệt là vào dịp cận Tết, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Mỗi siêu thị đều có một bộ test nhanh thực phẩm, khi hàng hóa nhập vào phải kiểm tra ngẫu nhiên. Lúc phát hiện có vấn đề, siêu thị cần trả lại hàng cho nhà cung cấp. Nếu để hàng không đảm bảo chất lượng lọt vào siêu thị, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.

Cũng theo bà Lan, vụ việc giá đỗ là bài học cho các hệ thống phân phối hiện đại vì người tiêu dùng ít nhớ tên công ty ngâm tẩm hóa chất vào giá đỗ là Lâm Đạo mà chỉ nhắc Bách Hóa Xanh là đơn vị bán giá đỗ có chất cấm.

676d19fff1578
Bách Hoá Xanh được cung ứng hàng trăm kg giá đỗ ngâm hoá chất mỗi ngày.

Bà Lan cho rằng, để xảy ra vụ việc thực phẩm nhiễm hóa chất trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà cung cấp, cơ sở tiêu thụ rồi đến cơ quan chức năng địa phương và các ban ngành liên quan. Tuy nhiên, điều này tạo ra lỗ hỏng quản lý khi không biết chính xác đơn nào chịu trách nhiệm. Do đó, các sở ban ngành cần phối hợp hoặc quy về một mối Sở chuyên môn như An toàn thực phẩm, để xử lý và quy trách nhiệm.

Năm 2024, Sở An toàn thực phẩm cũng kiểm tra 5.312 mẫu sản phẩm. Các mặt hàng có kết quả không đạt, Sở sẽ tập trung kiểm tra nhiều hơn trong năm 2025 là các loại nước uống đóng chai (10%), nước đá (10% mẫu nhiễm khuẩn), thủy hải sản tươi sống (20% bị nhiễm khuẩn).

Bà Lan cho rằng nhìn vào kết quả kiểm tra, số cơ sở vi phạm bị xử phạt chiếm tỉ lệ rất nhỏ (dưới 1%). Điều này nhìn theo hướng lạc quan thì tình hình an toàn thực phẩm có tốt hơn. Tuy nhiên nếu xét kĩ thì số lượng này vẫn ít, chưa bao quát hết. Nhìn chung, bà Lan cho rằng Sở An toàn thực phẩm chưa có đủ lực lượng, khả năng nhiệm vụ để chặn bắt, phát hiện kịp thời những vi phạm để xử phạt.

Theo bà Lan, sắp tới Sở An toàn thực phẩm sẽ tăng cường phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan trong kiểm tra các cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc), cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền có kinh doanh thực phẩm chức năng. Ngoài ra sẽ kiểm tra, kiểm soát chặt việc kinh doanh thực phẩm online (website, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…), hàng gian, hàng giả.

Cùng chuyên mục