Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 16/10/2023, 16:27 (GMT+7)

Trẻ bị tinh dầu tràm rơi vào mắt có nguy hiểm không?

Trong lúc tắm cho con gái 12 tháng tuổi, chị Huyền (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không may để nước tắm pha tinh dầu tràm rơi vào mắt trái, khiến mắt con bị đỏ, kêu khóc.

Mắt trẻ mỏng manh và dễ tổn thương

Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, Ths.Bs Hoàng Thanh Nga cho biết, mắt trái của con gái chị Huyền bị dính tinh dầu tràm đã pha loãng, lại được đưa đến bệnh viện khám kịp thời nên trước mắt chưa có dấu hiệu bị tổn thương. Bác sĩ đã kê đơn thuốc và hướng dẫn gia đình tiếp tục theo dõi, nếu trẻ có dấu hiệu bất thường cần tái khám ngay.

Song không vì vậy mà cha mẹ chủ quan. Khi sử dụng tinh dầu tràm, nếu cha mẹ vô tình làm rơi vào mắt trẻ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giác mạc, nặng có thể dẫn tới tổn thương, làm giảm thị lực.

Vì vậy, nếu tinh dầu tràm rơi vào mắt trẻ, cha mẹ cần bình tĩnh sơ cứu. Cha mẹ rửa ngay mắt trẻ bằng nước sạch hoặc dùng nước muối sinh lý nhỏ mắt và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục sơ cứu, điều trị kịp thời.

01697448031.jpeg
Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng tinh dầu tràm, tránh rơi vào mắt trẻ

Đặc biệt lưu ý khi sử dụng

Tinh dầu tràm có rất nhiều công dụng nên thường được cha mẹ “ưa chuộng” sử dụng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là khi trời trở lạnh. Tuy nhiên, tinh dầu tràm có tính đậm đặc cao, nếu sử dụng quá nhiều sẽ làm bỏng rát da trẻ, phản tác dụng.

Vì vậy, cha mẹ cần chú ý liều lượng khi sử dụng, khoảng 3-5 giọt dầu tràm khi pha nước tắm, 1 giọt khi massage và từ 3-4 giọt khi xông hơi cho bé. Rửa tay sạch sẽ sau khi mở/đóng nắp tinh dầu tràm. Đặc biệt, cha mẹ lưu ý đối với trẻ sơ sinh nên chia riêng khăn sữa rửa mặt với khăn tắm để tránh sử dụng khăn có tinh dầu tràm lau lên mặt, mắt trẻ.

Khi sử dụng tinh dầu tràm, theo Ths.Bs Thanh Nga, cha mẹ vẫn cần đặc biệt cẩn thận, tuyệt đối không để rơi vào mắt trẻ. Bởi tinh dầu tràm với nồng độ cao hay thấp (đã pha loãng với nước) đều ảnh hưởng trực tiếp đến đôi mắt của trẻ.

Cha mẹ cần bảo quản tinh dầu tràm trong lọ đậy nắp kín, không tự chiết ra lọ dầu cũ hoặc để gần nơi có nhiệt độ cao. Tuyệt đối để tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ. Cực kỳ nguy hiểm nếu trẻ hiếu động vô tình chạm vào lọ dầu đang mở lắp sau đó đưa tay lên day dụi mắt hoặc vô tình uống nhầm tinh dầu tràm.

Không bôi tinh dầu tràm ở những vùng da nhạy cảm của trẻ như vùng kín, gần mắt, miệng hoặc những vết thương hở, vết rôm sảy, chàm… vì có thể khiến trẻ bị bỏng rát và làm cho vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.

Đôi mắt là một trong những bộ phận khá nhạy cảm và vô cùng quan trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Vì vậy, nếu không may trẻ bị tinh dầu tràm rơi vào mắt, cha mẹ tuyệt đối không nên để trẻ day dụi mắt, bình tĩnh sơ cứu trước và sau đó đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.

Cùng chuyên mục