Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 16/06/2024, 07:22 (GMT+7)

Phát hiện kho thuốc lá điện tử nhập lậu lớn nhất từ trước đến nay, ngăn chặn thế nào?

Lực lượng chức năng các tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng vừa phối hợp kiểm tra, thu giữ 163.410 sản phẩm thuốc lá điện tử và 9.913kg phụ kiện thuốc lá điện tử. Đây là những sản phẩm chưa được phép kinh doanh tại thị trường Việt Nam. 

Liên tiếp phát hiện các vụ buôn lậu

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và Văn bản số 1162/TCQLTT-CNV ngày 15/5/2024 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), lực lượng chức năng các địa phương đã tăng cường công tác phối hợp, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. 

Theo đó, liên tiếp các vụ buôn lậu hàng số lượng lớn thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ đã bị phát hiện, thu giữ. Đặc biệt, qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận đối tượng mua bán, tàng trữ và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử phần lớn là giới trẻ.

Gần đây nhất, Đội QLTT số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phối hợp với lực lượng Công an và Hải quan phát hiện, tạm giữ 5.390 lọ tinh dầu dùng cho máy Pod (thuốc lá điện tử) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, vào hồi 14h, ngày 12/6, tại khu vực trước cửa Số nhà 148, đường Mạc Đĩnh Chi, Khu 1, phường Ka Long, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; Đội QLTT số 4 cùng Tổ công tác của Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an thành phố Móng Cái và Tổ Kiểm soát Hải Quan, Chi cục Hải Quan cửa khẩu Móng Cái trong quá trình làm nhiệm vụ, phát hiện một người đàn ông đang tập kết hàng hóa và có biểu hiện nghi vấn.

Qua khám xét theo thủ tục hành chính, Đoàn kiểm tra phát hiện 5.390 lọ tinh dầu dùng cho máy pod (thuốc lá điện tử) không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ước trị giá trên 50.000.000 đồng. Đối tượng P.Đ.D (sinh năm 1992, nơi đăng ký HKTT: Khu 2, phường Hải Hoà, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) khai nhận mua thu gom toàn bộ số hàng hóa trên trôi nổi trên thị trường và đang chẩn bị gửi bán qua đơn vị chuyển phát nhanh trên địa bàn thành phố Móng Cái.

Hiện vụ việc đang được Đội QLTT số 4 phối hợp với các lực lượng chức năng lập hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

.
Thời gian qua, lực lượng chức năng các địa phương liên tục phát hiện, thu giữ số lượng lớn thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. (Ảnh: Tổng Cục Quản lý thị trường)

Trước đó, ngày 6/6/2024, các lực lượng chức năng hai tỉnh Hưng Yên và thành phố Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra kho hàng tại địa chỉ thôn Lam Sơn, xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên phát hiện tổng cộng 163.410 sản phẩm thiết bị thuốc lá điện tử các loại và 9.913 kg phụ kiện thuốc lá điện tử các nhãn hiệu, như: FLUM PEBBLE 6000, MIOU 18.000, BAR9K, LOST MARY, GEEK BAR, LOST VAPE 7500, VAPOR STORM cùng tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử và phụ kiện thuốc lá điện tử. Đây là kho hàng thuốc lá điện tử nhập lậu lớn nhất từ trước đến nay. 

Theo ghi nhận, toàn bộ sản phẩm hàng hóa nếu trên có nhãn, bao bì hàng hóa thể hiện thông tin bằng chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, có dấu hiệu là hàng hóa nhập lẩu. Tại thời điểm khám, chủ kho hàng là ông T.X.H (sinh năm 1980, quê Bắc Ninh) không cung cấp được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của toàn bộ lô hàng.

Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi vi phạm. 

Tại phiên chất vấn và trả lời liên quan đến lĩnh vực của ngành Công Thương vào chiều 4/6, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tính đến đầu tháng 6, lực lượng QLTT Hà Nam đã thu giữ hơn 108.000 sản phẩm; QLTT Bắc Ninh thu giữ 103.000 sản phẩm; tại Hà Nội lực lượng QLTT cũng thu giữ hơn 11.000 sản phẩm… Điều đó cho thấy tình trạng vi phạm ngày càng nghiêm trọng.

Ngăn chặn thế nào?

Được biết, Luật phòng chống tác hại thuốc lá Việt Nam chưa có quy định dành riêng cho thuốc lá điện tử nói riêng hay thuốc lá thế hệ mới nói chung. Việc xử lý các vi phạm liên quan đến thuốc lá điện tử nói trên đang được áp dụng là vi phạm trong việc kinh doanh nhập lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, chất lượng, gian lận thương mại…

Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền dành cho cá nhân có hành vi buôn lậu thuốc lá sẽ bị xử phạt hành từ 1.000.000 đồng - 100.000.000 đồng, tùy theo mức độ nghiêm trọng. 

Theo khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn lậu thuốc lá do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

Ngoài xử phạt hành chính, căn cứ theo Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 38 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội buôn lậu, hành vi buôn lậu thuốc lá có thể bị phạt tù từ 6 tháng - 20 năm, tùy theo mức độ nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, nếu so với việc xử phạt vi phạm về thuốc lá điếu, thì hình phạt dành cho vi phạm thuốc lá điện tử như vậy rõ ràng đang "thiên vị". Theo đó, nếu đưa các mặt hàng liên quan đến thuốc lá thế hệ mới vào kiểm soát với những hình phạt có tính răn đe sẽ không làm lãng phí nguồn lực, thời gian và công sức của các cơ quan thực thi pháp luật, cũng như hạn chế tối đa những tổn thất, thiệt hại của Nhà nước trước những hệ lụy mà thị trường chợ đen đã để lại.

Để công tác chống buôn lậu thuốc lá đạt hiệu quả, chống thất thu cho ngân sách nhà nước, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các quốc gia cần triển khai giải pháp đồng bộ và toàn diện. Trong đó, tăng cường tuyên truyền giáo dục người dân, nhà phân phối không tham gia tiếp tay cho các đường dây buôn lậu; cần có nhiều nguồn lực hơn để thắt chặt kiểm tra, giám sát thị trường nhất là ở các tỉnh biên giới.

Cùng chuyên mục