Thứ bảy, 28/12/2024, 12:02 (GMT+7)

Vì sao các thương hiệu sẵn sàng đổ tiền vào quảng cáo, 'ăn theo' hiệu ứng Squid Game 2?

Hiệu ứng của bộ phim "Squid Game 2" đã trở thành cơ hội vàng để các thương hiệu triển khai các chiến dịch tiếp thị 'bắt trend', thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Dự báo, các chiến dịch tiếp thị gắn liền với bộ phim sẽ tăng mạnh khi phần hai chính thức ra mắt.

Thương hiệu 'bắt trend' làm tiếp thị

Ngày 26/12, phần hai của bộ phim Hàn Quốc đình đám Squid Game (Trò chơi con mực) đã chính thức lên sóng Netflix. Nhân dịp này, nhiều thương hiệu đã nhanh chóng triển khai các chiến dịch hợp tác tiếp thị cùng nền tảng này. 

Hãng xe hơi Hàn Quốc KIA đã phát hành video quảng cáo giới thiệu mẫu SUV Sportage phiên bản mới lấy cảm hứng từ bộ phim Squid Game 2. Hãng cũng tổ chức một sự kiện pop-up tại khu Seongsu sang trọng ở Seoul, nơi khách tham quan có thể tham gia các trò chơi lấy cảm hứng từ bộ phim và khám phá mẫu xe mới.

[Photo News] Kia Sportage in Squid Game style
Đầu tháng 12, hãng xe Hàn Quốc đã thực hiện chiến dịch quảng cáo mới theo phong cách Squid Game.

Ăn theo sự kiện này, Samsung Electronics cũng bắt tay Netflix để tổ chức sự kiện trưng bày  màn hình độ phân giải cao và điện thoại thông minh tại một sự kiện "Squid Game" ở Los Angeles vào tháng 12. Tại đây, sản phẩm của hãng được giới thiệu với khả năng tăng cường trải nghiệm hình ảnh và âm thanh, mang đến cảm giác chân thực hơn.

HiteJinro - Tập đoàn sản xuất đồ uống có cồn hàng đầu Hàn Quốc nhân dịp này cho ra mắt dòng đồ uống phiên bản giới hạn với nhãn dán in hình các nhân vật trong phim. Hãng cũng cung cấp một số sản phẩm đặc biệt, bao gồm máy chơi trò chơi uống rượu được thiết kế theo hình tượng búp bê, biểu tượng nổi bật của bộ phim.

Squid Game
Squid Game cũng đã trở thành cảm hứng cho chiến dịch mới của hãng đồ uống hàng đầu Hàn Quốc.

Thương hiệu Bibigo của CJ CheilJedang đã tung ra chiến dịch quảng bá tại 14 quốc gia, sử dụng hình ảnh các nhân vật trong "Squid Game 2" trên bao bì các món ăn Hàn Quốc như bánh gạo đông lạnh, bánh bao và kimchi.

Theo giới truyền thông Hàn Quốc, nhiều công ty Hàn Quốc đã và đang thành công tận dụng sức hút của bộ phim "Squid Game 2" trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng trong nước chững lại. Dự đoán, các chiến dịch tiếp thị gắn liền với bộ phim sẽ tăng mạnh khi phần hai chính thức ra mắt.

Chuyên gia nói gì về hiện tượng 'ăn theo' để quảng cáo?

Theo chuyên gia Digital Marketing Nguyễn Minh Hải, việc "ăn theo" các hiện tượng văn hóa rất phổ biến trong ngành quảng cáo và truyền thông. Nhờ sức hút của các hiện tượng, thương hiệu có thể thu hút sự chú ý của khách hàng và tăng cường nhận diện thương hiệu. Hiện tượng "Squid Game 2" ở thời điểm này là một ví dụ điển hình. 

"Squid Game là một hiện tượng toàn cầu, thu hút sự chú ý của hàng triệu người xem. Với lượng người theo dõi khổng lồ và sự lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội, hiệu ứng Squid Game trở thành cơ hội vàng để các thương hiệu triển khai các chiến dịch tiếp thị 'bắt trend', thu hút sự chú ý của người tiêu dùng" - chuyên gia nêu rõ. 

Việc tận dụng hiện tượng Squid Game 2 không chỉ giúp các thương hiệu tiếp cận một lượng lớn khán giả một cách hiệu quả, mà còn tạo ra kết nối cảm xúc mạnh mẽ với người tiêu dùng. Thông qua việc kết hợp các yếu tố từ bộ phim, như hình ảnh, biểu tượng và thông điệp, các thương hiệu có thể xây dựng những chiến dịch quảng cáo sáng tạo và độc đáo, gây ấn tượng sâu sắc với khách hàng. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, khi các thương hiệu cần không ngừng đổi mới để duy trì vị thế và thu hút sự quan tâm của công chúng.

Sức nóng “không thể cản” của Squid Game 2: Được đề cử Quả Cầu Vàng và hợp tác với nhiều thương hiệu dù chưa chính thức công chiếu
Thương hiệu khi bắt trend làm tiếp thị cần quan tâm đến tính sáng tạo và giá trị của thương hiệu.

Cũng theo vị chuyên gia này, khi bắt trend các hiện tượng văn hóa để xây dựng các chiến dịch tiếp thị, các thương hiệu cần lưu ý một số điểm quan trọng để đảm bảo hiệu quả và tránh rủi ro.

Trước hết, thương hiệu cần hiểu rõ nội dung và thông điệp của hiện tượng văn hóa để đảm bảo sự phù hợp với giá trị và thông điệp của thương hiệu. Quá trình thực hiện chiến dịch, thương hiệu cần quan tâm tới tính sáng tạo và độc đáo của chiến dịch, tránh việc sao chép hoàn toàn các yếu tố từ hiện tượng văn hóa để không làm giảm giá trị thương hiệu. Chiến dịch quảng cáo cũng nên được điều chỉnh để phù hợp với đối tượng mục tiêu mà thương hiệu muốn tiếp cận.

"Để tăng hiệu quả cho chiến dịch, thương hiệu nên tận dụng đa kênh truyền thông, kết hợp quảng cáo trên mạng xã hội, sự kiện thực tế và các kênh trực tuyến khác. Ngoài ra, thương hiệu cần tuân thủ bản quyền và các quy định pháp luật khi sử dụng các yếu tố từ hiện tượng văn hóa, tránh các tranh chấp pháp lý và bảo vệ uy tín của mình" - chuyên gia nhấn mạnh. 

Cùng chuyên mục