Thứ ba, 24/12/2024, 12:00 (GMT+7)

Chuyên gia tiết lộ cách xây dựng chiến dịch quảng cáo 'ăn điểm' mùa Tết Ất Tỵ 2025

Tết là 'thời điểm vàng' nhưng cũng là thách thức đối với tất cả các doanh nghiệp. Để ghi điểm trong lòng người tiêu dùng, doanh nghiệp cần có các chiến lược phù hợp đáp ứng về tính sáng tạo, linh hoạt và sự am hiểu thị trường cũng như tâm lý khách hàng.

Đâu là chủ đề Tết được nhiều người quan tâm?

Trên cơ sở các cuộc thảo luận được tạo ra và dẫn dắt bởi các thương hiệu, người bán sản phẩm trong mùa Tết và những thảo luận tự nhiên từ người dùng, Buzzmetric - đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ phân tích và giám sát truyền thông xã hội mới đây đã đưa ra báo cáo về mức độ quan tâm của người dùng trong dịp Tết Nguyên đán. 

Theo đó, mức độ quan tâm đến Tết của người dân tại thời điểm trước đại dịch Covid-19 đạt khoảng 335 triệu thảo luận trên các nền tảng. Sang đến mùa Tết 2021, con số này chỉ còn khoảng 125 triệu (giảm 65%) so với mùa Tết 2020. Đáng chú ý, dù đã 3 năm kể từ mùa “tết bình thường”, lượt thảo luận về Tết trong năm 2024 vẫn chưa thể quay về mốc như Tết 2020. 

Re-live BuzzSpeak: Tết 2025 – Chiến lược nào cho thương hiệu khi Tết đã “bớt nhiệt”?
Báo cáo của Buzzmetric về mức độ quan tâm của người dùng về chủ đề Tết được dẫn dắt bởi thương hiệu, người bán và chính khách hàng.

Báo cáo của Buzzmetric cũng cho biết, nếu những năm trước đó, thời điểm Tết trong tâm trí người dùng sẽ bắt đầu từ 23 tháng chạp và đỉnh thảo luận sẽ nằm ở 30 Tết thì đến năm 2024, con số này bắt đầu “đi ngang”. Sự tăng trưởng về mặt thảo luận theo ngày của người tiêu dùng trong mùa Tết năm 2024 không có nhiều biến đổi và thậm chí ở mức dưới 5%.

Do vậy, nếu xét đến độ phân bổ về mặt thời gian để chọn được thời điểm chạy chiến dịch hiệu quả vào dịp Tết, thương hiệu cần cân nhắc thêm rằng dù thời điểm vàng vẫn là từ 23 đến 30 âm lịch, tuy nhiên, các hoạt động có thể được triển khai dàn trải hơn, không cần phải dồn toàn bộ vào những thời điểm cận Tết như trước đây.

Trong đó, thứ tự của các chủ đề được người dùng quan tâm và thảo luận trong năm 2024 lần lượt là ăn uống, lì xì, cập nhật tình hình ngày tết, quà tặng, điều ước, mua sắm quần áo vào dịp Tết và cuối cùng là câu chuyện của đoàn tụ. Điều này hoàn toàn khác so với các năm trước đó khi đoàn tụ luôn nằm trong top 3 những chủ đề thảo luận nhận được nhiều sự quan tâm nhất.

Tuy nhiên, một vài vấn đề “ngách” trong chủ đề này lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Hầu hết đều liên quan đến cảm xúc của ngày Tết, chẳng hạn như tranh cãi nên về hay không nên về nhà vào dịp Tết và những nỗi lo thường đi kèm theo câu chuyện của đoàn tụ.

Doanh nghiệp nên đầu tư thế nào khi Tết “bão hòa”?

Trong bối cảnh tình hình kinh tế vẫn còn nhiều biến động và người dùng đã không còn háo hức đón Tết như trước, anh Lâm Trần - Strategy & Growth Director tại DSquare cho rằng, thương hiệu cần nhìn lại lịch sử và lí do vì sao Tết trở thành “mùa quảng cáo” của mọi nhà. 

Các doanh nghiệp cần hiểu rằng, Tết là 'thời điểm vàng' để thương hiệu gia tăng sức cạnh tranh, tạo ấn tượng với người dùng. Đây cũng là 'mùa tiêu thụ' đối với các ngành hàng tiêu dùng. Do đó, việc đầu tư vào các chiến dịch quảng cáo mùa Tết là một hoạt động bắt buộc để gia tăng doanh số hiệu quả. 

Về mặt hành vi, Tết thường là giai đoạn người dùng năm cũ và đón chờ điều tốt hơn trong năm tiếp theo. Do đó, đây cũng giai đoạn người dùng muốn làm mới và thay đổi bản thân. Doanh nghiệp khi này cần biết tận dụng thời điểm để khuyến khích người dùng từ bỏ thói quen cũ và thử những điều mới. 

Trường hợp thương hiệu muốn vượt qua hình ảnh một sản phẩm đơn thuần để len lỏi vào đời sống văn hóa của người dùng Việt cũng có thể cân nhắc để đầu tư vào các chiến dịch mùa Tết. 

Anh nhấn mạnh, để thành công tiếp cận mùa Tết, doanh nghiệp cần xác định được các yếu tố liên quan đến bối cảnh xã hội trong dịp Tết, vai trò của ngành hàng và thương hiệu trong đời sống của người dùng vào dịp Tết cũng như các mong đợi của người dùng. Sau đó, việc xác định nền tảng truyền thông cho chiến lược dịp Tết cũng cần được thương hiệu xác định trước khi bắt đầu thực hiện chiến dịch. Ở mỗi nền tảng, doanh nghiệp cần có những ý tưởng, kế hoạch truyền thông và các hoạt động riêng. 

Về ý tưởng, doanh nghiệp có thể khơi gợi sự hoài niệm trong quá khứ khi thực hiện các chiến dịch Tết. Đơn cử như case-study của thương hiệu Mì Thanh Long Caty khi gợi nhắc thế hệ Milennials về một thời xem các ca khúc của “bé” Xuân Mai, tạo không khí rộn tàng cho ngày Tết.

'Lấm bẩn gieo hy vọng' truyền cảm hứng cho năm mới khởi sắc
Chiến dịch 'Lấm bẩn gieo hy vọng' của OMO truyền cảm hứng cho năm mới khởi sắc.

Hay các ý tưởng gợi cho người tiêu dùng về sự an tâm bởi, có một sự thật rằng khi người tiêu dùng thấy mông lung về tương lai, nhất là với tài chính, họ sẽ thắt chặt túi tiền của mình. Trong trường hợp này, ngoài sản phẩm, thương hiệu cần 'bán' cho người dùng sự an tâm. Trước đó, OMO đã làm rất tốt điều này với chiến dịch “Lấm bẩn gieo hy vọng”, “gieo hy vọng” cho người dùng qua hình ảnh cả nhà cùng cố gắng thì tương lai sẽ tốt hơn.

Trong thời kỳ tiêu dùng khó khăn như thời điểm hiện tại, doanh nghiệp cũng có thể ghi điểm trong lòng người tiêu dùng với các ý tưởng dí dỏm, hài hước, thậm chí là những khoảnh khắc tích cực, bật cười vô tri. 

Ngoài ra, các chiến dịch duy trì thương hiệu trong mắt người tiêu dùng cũng là một ý tưởng không tồi để thực hiện trong mùa Tết này. Với các chiến dịch này, doanh nghiệp có thể thực hiện các chương trình giảm giá, sát cánh cùng người tiêu dùng. Tuy nhiên, "giảm giá nhưng đừng để thương hiệu 'mất giá', nhất là khi người dùng đã quen với giá khuyến mãi thì thương hiệu sẽ khó “quay đầu” khi nền kinh tế hồi phục" - anh nhấn mạnh. 

Cùng chuyên mục