SIM rác mua bán dễ dàng, các cuộc gọi làm phiền, lửa đảo tiếp tục tung hoành
Dù đã xử lý hàng trăm nghìn thuê bao, hàng triệu SIM rác nhưng cuộc gọi rác quảng cáo, lừa đảo không có dấu hiệu giảm mà còn biến tướng tinh vi hơn.
SIM rác được rao bán tràn lan
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ TT&TT cho biết cơ quan chức năng đã cập nhật thông tin chính chủ với hơn 11 triệu thuê bao, đồng thời khóa và thu hồi khoảng 2,5 triệu thuê bao có thông tin không chính xác.
Tuy nhiên chiến dịch này vẫn chưa thực sự hiệu quả bởi hiện nay người tiêu dùng vẫn liên tiếp phải nhận những cuộc gọi quảng cáo, dịch vụ phiền toái, thậm chí là lừa đảo. Nguyên nhân chính của tình trạng là là do việc mua SIM rác tại các cửa hàng, trên mạng xã hội vẫn còn rất dễ dàng.
Theo VTV, tại một tuyến phố chuyên bán SIM điện thoại ở Hà Nội, vào tháng 3/2023, phóng viên vẫn có thể mua SIM đã kích hoạt mà không cần giấy tờ, căn cước công dân. Sau đó, cửa hàng này bị xử phạt, SIM vi phạm cũng đã thu hồi. Tuy nhiên sau nhiều tháng nỗ lực thanh tra toàn quốc, chuẩn hóa thông tin thuê bao thì việc mua bán SIM rác vẫn diễn ra ngang nhiên, công khai.
Tại các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Faecbook hay sàn thương mại điện tử Shopee, SIM điện thoại được rao bán, quảng cáo tràn lan. Thậm chí, có thể mua số lượng lớn với hàng trăm SIM thẻ đã được kích hoạt sẵn mà chẳng cần bất cứ giấy tờ gì.
Do SIM rác mua bán dễ dàng nên các cuộc gọi rác làm phiền, cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi lừa đảo vẫn hiện hữu, có khi ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội.
Cần nhiều giải pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn SIM rác
Theo thông kế, mỗi ngày trên thị trường có khoảng 60.000 SIM điện thoại được bán ra và không có ai kiểm soát thông tin cũng như chịu trách nhiệm về tính chính chủ của SIM rác.
Nói về thực trạng này, ông Trần Duy Hải - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (BộTT&TT) cho hay, nếu thời gian tới vẫn còn vi phạm thì Bộ sẽ đề xuất chặn, không cho các kênh phân phối bán SIM nữa. Bên cạnh đó sẽ không cho khuyến mại tràn lan, dẫn đến các cuộc gọi miễn phí rẻ, tạo nên các cuộc gọi rác làm phiền khách hàng.
Thực tế ngay cả khi siết SIM chính chủ thì những cuộc gọi rác vẫn có hoạt động bình thường. Bởi theo quy định hiện hành, với một nhà mạng viễn thông, mỗi người có thể đăng ký tới 3 SIM chính chủ. Như vậy với 5 nhà mạng như hiện nay thì một người có thể đăng ký tới 15 đầu số. và một công ty dịch vụ với khoảng 100 nhân viên thì có tới 1.500 đầu số để quấy rầy, làm phiền khách hàng.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, từ năm 2020 các nhà mạng đã triển khai nhiều chiến dịch nhằm ngăn chặn cuộc gọi rác. Nhưng các đối tượng vi phạm vẫn cố tính “lách luật”.
Thời gian gần đây bên cạnh SIM điện thoại truyền thống thì các địa chỉ IP nước ngoài còn cho phép tạo tài khoản, cuộc gọi chẳng khác gì cuộc gọi thông thường. Nhưng, những cuộc gọi này lại không chịu sự quản lý, giám sát của các nhà mạng ở nước ta. Chính vì vậy, vấn đề này cũng là thách thức với cơ quan quản lý của Việt Nam.
Ông Trần Duy Hải cho hay sẽ tăng cường ngăn chặn. Theo ông thì hiện có những cuộc gọi người dùng có thể từ chối ngay khi thấy có dấu hiệu như: dấu +, 00 của quốc tế. Bên cạnh đó cũng đề nghị các cơ quản quản lý về quảng cáo yêu cầu doanh nghiệp thống kê để ngăn chặn tình trạng bỏ qua quy định định danh để gọi điện làm phiền khách hàng.
Đợt thành tra vừa qua, cơ quan chức năng đã khóa 5,2 triệu SIM của các cá nhân sở hữu trên 10 đầu số điện thoại. Theo đó, tới hết tháng 8, Cục Viễn thông sẽ hoàn thành xử lý việc một cá nhân đứng tên nhiều SIM.
Thế nhưng những nỗ lực này vẫn như muối bỏ biển khi các SIM rác vẫn tiếp tục sinh ra trong lỗ hổng. Nửa đầu năm nay, các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến ở nước ta đã tăng gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo cũng như cần phải đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn nữa thay vi phạt hành chính hoặc khóa cuộc gọi đối với các SIM rác.