Thứ hai, 12/06/2023, 11:34 (GMT+7)

Những ai không nên ăn mướp đắng?

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Mướp đắng có nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng những dược tính trong loại quả này khiến một số người không nên ăn chúng.

Mướp đắng còn gọi là khổ qua, được người dân Việt Nam biết đến với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Theo đông y có vị đắng, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt, giải nhiệt, sáng mắt, thích hợp với các chứng nhiệt sinh ra nóng, khát, làm mát tim, nhuận tràng, hạt của quả còn có công dụng bổ thận tráng dương.

muop dang Tiepthigiadinh H1
Mướp đắng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

Mướp đắng được cho là hoạt động như một chất chống oxy hóa và chứa các đặc tính chống viêm, chống ung thư, chống tiểu đường, kháng khuẩn, chống thừa cân, béo phì và điều hòa miễn dịch. Mướp đắng khá an toàn khi ăn hoặc uống trong tối đa 3 tháng liên tục. Tuy nhiên, nếu sử dụng ở một lượng nhiều thái quá nó có thể gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, khó chịu ở dạ dày, đau bụng và đầy hơi, và ăn mướp đắng nhiều gây khó tiêu.

Đặc biệt, các bác sĩ chỉ ra những trường hợp không nên ăn mướp đắng như sau:

Phụ nữ mang thai và cho con bú

Nhiều nghiên cứu cho thấy, mướp đắng có thể gây kích thích và co thắt tử cung, xuất huyết, làm hư thai hoặc dẫn đến sinh non. Do đó phụ nữ có thai không nên dùng mướp đắng, nhất là khi đang ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Bên cạnh đó, phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì một số thành phần không tốt có thể được truyền qua sữa mẹ.

Người huyết áp thấp 

muop dang Tiepthigiadinh H2
Mướp đắng có chứa các chất có khả năng làm hạ đường huyết dẫn đến tụt huyết áp

Trong quả mướp đắng có chứa chất Charantin, Polypeptid-P và Vicine. Các chất này có khả năng làm hạ đường huyết dẫn đến tụt huyết áp. Những người có tiền sử huyết áp thấp cũng không nên sử dụng mướp đắng.

Người có vấn đề về hệ tiêu hóa

Nếu lạm dụng, ăn mướp đắng với số lượng quá lớn có thể ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa, gây tiêu chảy, ảnh hưởng đến dạ dày.

Người mới phẫu thuật 

Ăn mướp đắng ngay khi mới phẫu thuật sẽ gây cản trở quá trình kiểm soát đường huyết của bệnh nhân. Tốt nhất người bệnh nên ngừng ăn mướp đắng trong ít nhất 2 tuần trước và sau phẫu thuật.

Người có bệnh gan thận

Chất xơ trong mướp đắng làm cho nó khó tiêu, có thể còn gây đầy hơi nên người bị bệnh lý về gan và thận cần tránh ăn loại quả này. Người bệnh thiếu men G6PD - loại men đóng vai trò trong chuyển hóa hồng cầu cũng nên tránh không sử dụng mướp đắng.

Người bệnh tiểu đường

Dù mướp đắng có thể làm giảm lượng đường trong máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nhưng nếu đang trong thời kỳ dùng thuốc hạ thấp lượng đường thì việc ăn mướp đắng có thể khiến mức đường trong máu xuống thấp hơn cho phép, gây hại cho sức khỏe.

Người đang sử dụng thuốc

Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ thuốc nào, hãy hỏi bác sĩ để biết có nên sử dụng mướp đắng hay không bởi vì mướp đắng có thể gây tương tác với một số thuốc.

Lưu ý khi ăn mướp đắng

  • Tiêu thụ mướp đắng với một lượng vừa phải, không nên lạm dụng.
  • Không ăn mướp đắng khi bụng đang đói
  • Tránh uống trà ngay sau khi ăn mướp đắng để không ảnh hưởng dạ dày. Bạn nên đợi một vài tiếng sau khi ăn xong rồi mới uống trà.
  • Không nên kết hợp mướp đắng cùng các loại hải sản như tôm, cua… vì mướp đắng chứa vitamin C, khi kết hợp cùng asen có trong hải sản có thể gây phản ứng khó chịu, nặng hơn sẽ tạo thành thạch tín gây ngộ độc.
Cùng chuyên mục